Dùng bạo lực với bác sĩ: Hành vi không thể dung thứ
Sau những phản ánh từ bài báo trước, bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra trong bệnh viện. Tình trạng mất an ninh bệnh viện đang trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết.
Vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra
Tính tới nay, vụ việc bác sĩ V.H.C, Bệnh viện Xanh Pôn, bị người nhà bệnh nhi đấm liên tiếp vào mặt là vụ thứ 3 trong nửa đầu tháng 4 năm 2018. Thông tin từ bệnh viện cho biết, vụ việc xảy ra vào đêm ngày 13/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương ở vùng thái dương, được bố đưa vào. Trong quá trình trao đổi phương án điều trị giữa bác sĩ và bố cháu nhỏ, bác sĩ Chiến đưa ra hai phương án khâu thường và khâu thẩm mĩ. Theo camera quay được tại phòng khám bệnh, khi đang trao đổi với bố của bệnh nhi, bất ngờ người đàn ông này đã có hành động tấn công bác sĩ Chiến. Ngay sau đó bác sĩ cùng ca trực và bảo vệ bệnh viện đã kịp thời can ngăn, liên lạc với lực lượng công an phường Điện Biên (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đến giải quyết vụ việc. Người đàn ông này sau đó đã được lực lượng chức năng mời về trụ sở công an.
Vụ việc xảy ra đã khiến dư luận bàng hoàng, ngỡ ngàng trước tình trạng các bác sĩ – những người chữa bệnh cứu người bị hành hung và đối xử một cách thô bạo. PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn bức xúc nói: “Một bệnh viện ngay trung tâm thủ đô Hà Nội cũng xảy ra bạo hành gây rất nhiều bức xúc. Chúng tôi lên án các hành vi xâm phạm sức khỏe, thân thể nhân viên y tế. Đây có lẽ là vụ việc bạo hành bác sĩ được quan tâm nhất sau những vụ đã xảy ra. Chúng tôi mong cơ quan bảo vệ pháp luật làm đúng, làm nghiêm để không xảy ra bạo hành y tế nữa".
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các vụ hành hung bác sĩ và gây rối bệnh viện không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của nhân viên y tế. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp nên cho dù bị mắng chửi hay đánh thì các bác sĩ vẫn không được từ chối khám chữa bệnh. Vì nguyên tắc của ngành y là không được từ chối khám, chữa bệnh cho bất kì bệnh nhân nào.
PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn thông tin thêm: "Sau vụ việc này, tinh thần của bác sĩ chúng tôi rất hoảng loạn, tạm thời bác sĩ vẫn đang phải nghỉ. Ban đầu, bác sĩ này định bỏ qua mọi việc do lo ngại bị trả thù nhưng cho đến nay thì công việc điều tra của các cơ quan chức năng vẫn đang được tiếp tục. Chúng tôi cũng đã rà soát và tăng cường bảo vệ ở những khu vực vắng vẻ, ít người qua lại, các khoa hồi sức, cấp cứu là dễ xảy ra xô xát. Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng ủng hộ nhân viên y tế, để nhân viên y tế có tinh thần và sức khỏe bảo vệ bệnh nhân".
Đừng để cán bộ y tế đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng sức khoẻ của mình để họ có thể chăm sóc, cứu chữa người bệnh nói chung và kể cả cứu chữa những người nhà của những đối tượng đang hành hung họ”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bác sĩ có cần học…võ?
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh -Bộ Y tế chỉ ra rằng, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương (chiếm 20%). Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Đồng thời, theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Ngoài ra, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngoài những vụ điển hình được đưa lên công luận thì vẫn còn rất nhiều nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ công tác tại khoa cấp cứu gặp phải tình huống bị mạt sát, đe doạ, hành hung...
Trước sự việc liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nghiêm trọng đối với cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ, ngày 17/4, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các ban ngành, đặc biệt là ngành công an và chính quyền địa phương các cấp cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để đồng hành, bảo vệ và hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hành hung cán bộ y tế và cán bộ đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật hình sự đã được điều chỉnh sửa đổi trong năm 2017. Bộ trưởng Tiến cho biết: "Bộ Y tế đã có nhiều văn bản cũng như nội dung ký kết với Bộ Công an về việc phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên sắp tới chúng tôi nghĩ giải pháp cụ thể, thiết thực nhất là đề nghị giữa các đơn vị y tế, Sở Y tế phối hợp với công an các tỉnh ký cam kết phối hợp, lập đường dây nóng để gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện.
Hành hung cán bộ y tế là hiện tượng có tính chất lan rộng và tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chúng tôi cũng mong muốn lực lượng công an ở các địa bàn cắm chốt tại các bệnh viện sở tại và có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và lực lượng công an. Các bệnh viện cần lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi các hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế". Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẩn thiết kêu gọi: “Đừng để cán bộ y tế đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng sức khoẻ của mình để họ có thể chăm sóc, cứu chữa người bệnh nói chung và kể cả cứu chữa những người nhà của những đối tượng đang hành hung họ”.
Liên tiếp bạo lực có phải do thái độ phục vụ?
Xoay quanh vụ việc, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều đưa ra, có ý kiến bênh vực, bảo vệ bác sĩ, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng thời gian gần đây nhiều vụ bạo lực bệnh viện xảy ra không chỉ vì sự suy đồi đạo đức trong xã hội mà còn do thái độ phục vụ từ chính các bác sĩ. Trước câu hỏi liên quan đến vấn đề, liệu rằng việc hành hung cán bộ y tế có phải do thái độ chưa đúng mực của y bác sĩ - như dư luận nói là "không có lửa làm sao có khói?", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiên quyết phản đối hành vi đánh bác sĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và đối tượng hành hung cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “việc bảo vệ các bác sĩ cũng như phải nghiêm trị những đối tượng hành hung bác sĩ là cần thiết, mặc dù vậy, cũng cần phải có cái nhìn ngược lại. Trừ một vài trường hợp say rượu quấy phá bệnh viện, còn lại phần nhiều những trường hợp người nhà gây sự là do bất bình vì phục vụ. Có bất bình do không được giải thích cũng là lỗi của mình, có bất bình do bản thân một số cán bộ chưa thực sự tốt”.
Mới đây, ngày 19/4, Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý thông tin việc cán bộ y tế quát, miệt thị bệnh nhân người dân tộc. Theo đó, tại công văn số 2625/BYT-TCCB do Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/4, Bộ Y tế đã đề nghị Sở kiểm tra, xử lý thông tin việc cán bộ y tế "quát, miệt thị bệnh nhân người dân tộc". Theo văn bản, ngày 16/4, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải thông tin về việc bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 bị tố quát, miệt thị bệnh nhân người dân tộc. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra nội dung thông tin trên, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm.
Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia về thần kinh cho rằng cần nhìn nhận vụ việc một cách khách quan. Theo quan điểm của vị này, hành vi đánh người là sai và pháp luật sẽ xử lý. Tuy nhiên, ngay chính bản thân người bác sĩ bị đánh đó cũng cần phải xem lại tại sao người ta đánh mình, có cái gì phía sau hành động ấy hay không. Vị chuyên gia này cho rằng: "Thực tế, trừ các trường hợp quá khích, chứ bình thường nếu bác sĩ làm tròn trách nhiệm, có những ứng xử hài hòa người bệnh sẽ rất vui, thậm chí họ còn cảm ơn vì chữa hết bệnh cho người thân của họ".
Chia sẻ về chất lượng phục vụ của ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, mặc dù cả hệ thống KCB của ngành y tế đang nỗ lực chuyển mình cải tiến chất lượng, nhưng vẫn có những bệnh viện, nhân viên y tế chưa nỗ lực hết mình, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân như ý kiến ĐBQH phải ánh. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như: Tích cực triển khai các biện pháp đổi mới phong cách thái độ, hướng tới sự hài lòng người bệnh, tổ chức học tập nâng cao thái độ ứng xử, y đức… Toàn bộ các bệnh viện cũng đã triển khai Chỉ thị 09 về đường dây nóng và việc khảo sát sự hài lòng người bệnh theo QĐ 6859/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông qua kênh đường dây nóng và việc khảo sát này giúp bệnh viện nắm bắt và ghi nhận kịp thời các ý kiến chưa hài lòng của người bệnh.
Giải pháp lâu dài là sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây chính là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các bệnh viện cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa.