Nhà văn Bùi Anh Tấn: 20 năm và 20 tiểu thuyết
20 năm viết, với chừng 20 cuốn tiểu thuyết về các đề tài chiến tranh, tôn giáo, lịch sử, sáng tác 100 tập phim truyền hình đã phát sóng, đạt hai giải A do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an trao tặng… Nhà văn Bùi Anh Tấn có quá trình lao động chữ nghĩa rất miệt mài.
Mặc dầu đã xong bản thảo cuốn tiểu thuyết tiếp theo, ngay sau khi phát hành tiểu thuyết dã sử “Bảo kiếm và giai nhân” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, quý II, 2018), nhưng theo đúng “lịch trình”, mỗi năm in đều một cuốn, bản thảo đó anh cất đi, cho vào quá trình “tự biên tập”.
“Theo nghề biên tập xưa, viết xong, tôi để đó, một thời gian sau thì quay lại, đọc, những chỗ nào thấy chưa hay thì cắt chỉnh sửa, thậm chí xóa đi viết mới. Cứ thế, cho đến lúc gửi đi in. Mà sách ra rồi, cầm trên tay vẫn còn nuối tiếc, lẽ ra có thể viết thế này thế kia cho hay hơn nữa. Mà thôi, cứ tiếc thế mãi thì bao giờ sách mới ra được, nên sẽ viết tốt hơn cho cuốn sau. Ngay lúc này, ngồi đây, trong đầu tôi lại nghĩ tới đề tài cho cuốn tiểu thuyết mới, có thể là hai hay đến ba đề tài một lúc. Rảnh chút là viết, ngày ngày viết, không ngừng. Bởi mình mà ngừng viết lại, thì khó bắt nhịp tiếp, trong khi công việc rất bộn bề với quản lý bài vở tờ báo, họp hành liên miên…
Trước đây, khi còn làm Trưởng ban phụ trách phía Nam của NXB Công an nhân dân, tôi có nhiều thời gian để tập trung vào việc viết, lúc ấy, giao du nhiều, gặp gỡ mọi người, hoặc cà phê, hoặc nhậu, ngày nào cũng thế. Giờ thì tôi khó thể ra ngoài tụ tập được nữa, có đi đâu, cũng liên quan đến họp hành công việc. Nhớ ngày mới về đây (Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh - pv), tôi bị sốc, và mất đến hai năm để làm quen, thích nghi, bắt nhịp với tốc độ khẩn trương của một tờ báo mỗi ngày ra một số. Hỏi có sự mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và quản lý không? Thì dĩ nhiên là có chứ. Bản chất nghệ sĩ là tự do, là sáng tạo, trong khi với vai trò quản lý, không phải cái gì cũng viết được và có thời gian để viết, buộc phải tự giới hạn mình.
Có những lúc tôi thấy thầm tiếc thời thơ xưa, khi lúc này cuộc sống không cho mình nhiều lựa chọn. Cảm giác một con ngựa ham chạy nhảy bị kìm cương lại. Ngày nghe tôi chuyển công tác, nhà văn Sương Nguyệt Minh nửa đùa nửa thật với tôi: “Thế là mất đi một nhà văn Bùi Anh Tấn rồi”. Nói vậy thôi, sau khi hòa nhịp với tốc độ làm báo, tôi nỗ lực quay trở lại viết. Đó là nỗ lực phải nói là “kinh hồn”, thời gian bị băm nát vụn, nhưng khi ấy, sức khỏe còn tốt nên tôi có thể thức khuya để viết. Lúc này có tuổi rồi, sức khỏe không còn như trước nữa, nên tôi duy trì nhịp độ khoảng 21h30’ là đi ngủ rồi, để 4h30’ sáng dậy bắt đầu công việc cho ngày mới.
Cũng có nhiều đêm trực bài đến 12h đêm, nhưng cũng nhanh chóng buộc mình vào thời gian biểu quy định. Viết văn ngày ngày, vừa là để nuôi dưỡng đam mê, vừa là duy trì được nhịp độ viết. Điều đó đòi hỏi nỗ lực ý chí rất mạnh, cùng các nguyên tắc không sai lệch”.
Nhà văn Bùi Anh Tấn chia sẻ với tôi vào buổi sáng thứ ba, tranh thủ giữa lúc đang lo bài vở. Trước hôm đó, anh mất cả ngày ngồi dự Hội nghị Thành ủy. Theo lời hẹn, anh tới đúng giờ. Quán cà phê nằm ngay sát tòa soạn, khá đông khách. Anh gần như không gọi gì ngoài một hũ sữa chua, thêm cốc trà đá khuyến mãi. Nắng thành phố dát vàng trên tán lá xanh của các cây xà cừ cổ thụ. Sóc ríu rít truyền cành. Bãi cỏ xanh trong khu Dinh Độc Lập ánh lên màu biếc lấp lánh. Thi thoảng anh lại cầm máy nghe cuộc gọi đến, xử lý một vài vấn đề.
“Cuốn tiểu thuyết tiếp theo liên quan đến lịch sử Sài Gòn trước 1975, với hai nhân vật chính trị gia nổi tiếng”. Anh tiếp mạch chuyện. Lúc này, quán rất đông người, giọng anh nhỏ gọn nhưng lại rất rõ ràng và dễ nghe. Nhà văn Bùi Anh Tấn ngồi đối diện tôi, trong tấm áo sơ mi cộc tay kẻ để buông ra ngoài chiếc quần âu màu tối. Khuôn mặt anh vương vức chữ điền, trông thật nghiêm nghị, nhưng dáng người lại gày nhỏ. Ngồi với anh, lần nào cũng vậy, luôn có sự ấm áp gần gũi bao quanh. Cảm giác về một người anh thân ái và đầy bao dung, tạo ra sự yên tâm lẫn hoàn toàn thư giãn, như thể đang ngồi cạnh người thân ruột thịt hiểu nhau rất sâu.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp nhà văn Bùi Anh Tấn là vào năm 2007, khi đó tôi vừa mới ra cuốn tiểu thuyết đầu tay. Một buổi trưa, nhà văn Di Li gọi có cuộc hẹn đi ăn với một “đại gia quan trọng”, và muốn tôi đi cùng. Chúng tôi ngồi chừng nửa tiếng, trong một quán ăn khá sang cuối đường Lý Thường Kiệt, thì vị “đại gia” tới. Trước đó, anh cũng đã kịp gọi điện tới báo do cuộc họp kết thúc muộn, nên anh không thể tới đúng giờ. Nhìn “vị đại gia” áo sơ mi quần âu đơn giản (vẫn cách ăn mặc như đang ngồi trước tôi đây), đi dép quai hậu bình dị chứ không phải đôi giày da bóng lộn, dáng vẻ cử chỉ đơn giản thân tình, trông giống một anh chàng công chức hơn là một “đại gia” như Di Li nói.
Tôi vào Nam làm việc, theo lời hẹn trước, phải lỡ nhiều lần, rất dùng dằng và cũng liên quan tới công việc, tôi mới tới được nơi anh làm. Đó là một khu nhà hai tầng kiến trúc Pháp, nhẹ nhõm trong khuôn viên nhỏ gọn gàng với hai anh công an thân thiện gác cổng. Phòng làm việc của anh chất đầy giấy tờ và rất nhiều sách. Anh nói chuyện với tôi theo trong khoảng thời gian theo lịch hẹn trước. Mọi vấn đề được giải quyết rõ ràng rành mạch theo anh. Câu cuối trước khi tôi rời khỏi, anh nói: “Nếu không phải chúng ta làm những việc tích cực đúng đắn, thì còn trông mong gì người khác loại trừ đi bao điều xấu…”
“Những người viết trong ngành Công an, có hai hướng, một là trưởng thành từ ngành Công an, hai là viết trước đó, được tuyển vào ngành. Tôi ở số một. Khi đó, tôi sau khi học 18 tháng trong ngành Công An, được chuyển qua học Luật, sau đó là học Báo chí. Ra trường, tôi được phân công về báo Công an Đồng Nai, rồi về Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1985 đến 1995, tôi bắt đầu viết một vài bản thảo truyện dài, nhưng gửi đi lại bị trả về.
Tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” mà bạn nhắc tới, không phải là cuốn đầu tay của tôi, nó chỉ được in trước thôi. Cuốn đầu tiên tôi viết là “Kế hoạch hậu chiến 72”…
Nhà văn Bùi Anh Tấn mở lời, sau khi dừng cuộc điện đàm về chuyến từ thiện sắp tới của báo được tổ chức, cắt đứt dòng liên tưởng quá khứ của tôi. Tôi biết anh đã thực hiện nhiều chuyến từ thiện đến với trẻ em nông thôn vùng sâu xa và người nghèo, nhưng đồng thời biết rõ anh không thích nhắc tới. Những điều anh muốn nói, thường là liên quan đến văn chương.
Tác phẩm “Bảo kiếm và Giai nhân” do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành quý II, 2018 của nhà văn Bùi Anh Tấn.
Tôi chia sẻ, nhưng đó cũng là khởi đầu may mắn, vì cuốn tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” đã được đông đảo công chúng đón nhận, bởi đề tài về đồng tính khi đó còn quá mới. Nhà văn Bùi Anh Tấn gật đầu nhớ lại. Vào những năm 90 khi đó, không có tài liệu nào để viết, anh buộc phải đi “thực tế” vào các điểm nóng. Tìm hiểu mọi thứ cho thỏa những câu hỏi nghi ngại. Có lần còn bị dân phòng bắt nhầm vì khi đi anh không mang theo giấy tờ tùy thân. Với nỗ lực đó, cuốn sách đã xác lập tên anh trên văn đàn, đồng thời “nhà văn Bùi Anh Tấn là nhà văn Việt Nam đầu tiên được tổ chức Guinness Việt Nam xác nhận viết về giới tính thứ ba” (theo lời giới thiệu trong tác phẩm).
“Nói về cuốn nào tôi tâm đắc nhất, thì phải kể tới hai cuốn tiểu thuyết về tôn giáo, một là “Không và sắc”, viết về vấn đề rất nhạy cảm là tình dục đối với người tu hành, cũng như bước chuyển của Phật giáo từ Tịnh độ đến Thiền tông và một nhánh nữa là Mật tông. Cuốn này có tới năm nhà xuất bản đã từ chối, thậm chí ngay khi đọc cái tên. Cuốn tiếp theo là “Tin mừng” viết về Công giáo. Với cuốn này, tôi đã bỏ ra bốn năm chỉ để đọc kinh sách, nhờ đó, mình có hiểu biết hơn là một tín đồ đạo Công giáo. Sau khi hoàn thành bản thảo, tôi có nhờ một vị linh mục hiệu đính, ông nói có ba điều sau khi đọc cuốn sách: Một, anh là Cộng sản; hai, anh là Công an; và ba là anh không phải là người Công giáo nhưng rất hiểu biết sâu một cách ngạc nhiên về Công giáo. Tôi trả lời, cả ba điều trên vị linh mục đã nói đúng”.
Hỏi, thời gian rảnh anh thường thích làm gì, nhà văn Bùi Anh Tấn trả lời ngay, là đọc sách. Anh thích đọc sách văn chương, những cuốn công cụ, kĩ năng, chuyên ngành hoặc các tư liệu giúp cho việc viết văn. Thời gian này, vào buổi sáng, sau khi trở dậy lúc 4h30’, anh dành một giờ ra đường phố để tập thể dục. Lúc thư giãn nhất và lấy lại tinh thần năng lượng, là ghé vào quán cà phê mở sớm, uống ly cà phê đen, nghe nhạc, chỉ vậy, không làm bất cứ điều gì cả.
Nhìn lại chặng đường viết đã qua, nhà văn Bùi Anh Tấn cho rằng, nhà văn ai cũng có thời viết, và chính anh cũng qua thời viết đầy bản năng lẫn cảm xúc rồi. Giờ ngay từ mở đầu, đã biết cần kết thúc ra sao. Viết bao chữ là đủ. Liều lượng thế nào là vừa phải:
“Từ viết đến ra bản thảo, xuất bản là cả một quãng thời gian dài. Từ lời nói đến ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó bằng trang viết cũng là một vấn đề. Nhiều nhà văn đã hứa với tôi có vẻ chắc chắn lắm nhưng rồi để mọi thứ trôi đi. Với tôi, tác phẩm viết đề tài gì, theo thể loại nào, thuộc trường phái này kia thì trước nhất phải hay, và nhà văn không chỉ cần mẫn chăm chỉ mà còn phải có tài”.