Dinh Thượng Thơ - Vẻ đẹp kiến trúc 154 năm
Là một kiến trúc có tuổi đời 154 năm, Dinh Thượng Thơ (nay là trụ sở của Sở Thông tin & Truyền thông TP HCM) nằm ở số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, đã trở thành hình ảnh quen thuộc gắn bó với người dân TP HCM. Thế nhưng, tòa nhà này đang đứng trước khả năng bị phá bỏ bởi “không nằm trong danh mục (kiểm kê di tích của ngành văn hóa - thể thao) nên bước đầu không đưa vào bảo tồn” - theo lời của lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM.
Quang cảnh Dinh Thượng Thơ được chụp trong khoảng thời gian 1920 – 1929.
Ngay sau cuộc họp ngày 2/5, khi thông tin Dinh Thượng Thơ có thể bị phá bỏ do nằm trong phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP HCM, một làn sóng phản đối dâng lên khắp trên báo chí, diễn đàn và các trang mạng xã hội, không chỉ từ những nhà nghiên cứu, người làm công tác chuyên môn, mà từ rất đông người dân đã sống và gắn bó với thành phố.
Việc bảo tồn vẻ đẹp vốn có, làm nên không gian riêng biệt, mang đậm tính nhắc nhớ về không gian kiến trúc văn hóa Sài Gòn xưa, một lần nữa được nhắc lại.
Dinh Thượng Thơ có kiến trúc tổng thể hình chữ U, nằm phần sau của UBND Thành phố, nhìn phối cảnh từ trên cao, có thể thấy UBND Thành phố với mái đỏ, tường vàng rêu phong kết hợp thành một thể thống nhất, hài hòa với dinh Thượng Thơ xưa.
Từ hoa văn tinh xảo được thiết kế trên cổng,lối vào lát đá xanh, đến những vòm cửa mở rộng, hành lang thoáng đãng, hệ thống cầu thang gỗ, ống thông gió trên đỉnh mái tòa nhà…, dù 154 năm qua đi kết cấu vẫn vững chắc và giữ nguyên được hiện trạng ban đầu.
Bên ngoài tòa nhà, giữa sân rộng, là những tàng cây lớn rũ cành hoa đu đưa trong nắng, trong gió, nhiều ghế gỗ được đặt trên hành lang, là nơi nghỉ ngơi chuyện trò của những người dân tới làm việc hay của chính công nhân viên chức Sở. Dinh Thượng Thơ từ lâu đã trở thành không gian văn hóa của người dân thành phố.
Trước đây, Dinh Thượng Thơ (còn có tên là Nha Nội vụ) được người Pháp xây dựng từ năm 1864. Tra cứu lại Bản đồ năm 1890 thấy được tòa nhà như hiện trạng ngày nay. Như vậy Dinh Thượng Thơ có lịch sử rất lâu đời của thành phố, là công trình kiến trúc có tuổi thọ nhiều thứ hai, chỉ sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790.
Tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng ngày nay.
Theo các sách nghiên cứu về Sài Gòn xưa, trên Bản đồ Thành Bát Quái - Thành Quy năm 1790, do Nguyễn Ánh xây để thiết lập Gia Định kinh với chu vi 3,8 km, UBND Thành phố (hiện tại), trong đó có tòa nhà Dinh Thượng Thơ, mang vị trí quan trọng cho việc kiến tạo nên “không gian đô thị Sài Gòn từ những buổi đầu” và là một phần trong Thành Quy.
Chị Phạm Giang (Jang Kều)- nhà sáng lập và điều hành Dự án “Nhà Chống Lũ” và Dự án “Hạnh Phúc Xanh” cho rằng: “Dinh Thượng Thơ là một công trình kiến trúc có giá trị, với tuổi đời gần 160 năm. Một thành phố 300 năm, và một công trình kiến trúc 160 năm mà không gọi là di sản thì gọi là gì? Về góc độ kiến trúc có rất nhiều người có chuyên môn đã lên tiếng, nên tôi không cần nói thêm.
Tuy nhiên theo tôi, cần lưu ý về 3 việc: Một là công trình kiến trúc tuổi đời 160 năm so với thành phố 300 năm tuổi đáng được coi là di sản cần bảo tồn.
Hai là, Thành phố có rất nhiều quỹ đất (đất Thủ Thiêm, xây đô thị...) thì hoàn toàn có thể lựa chọn phát triển một khu hành chính mới hiện đại, rộng rãi, không nhất thiết phải phá đi một chứng tích văn hoá hơn 100 năm để xây mới, vừa tốn kém, vừa ko hiệu quả vì diện tích tổng vẫn rất nhỏ.
Ba là, Thành phố đang từng ngày thay đổi, hiện đại, tuy nhiên vẫn đang thiếu vắng những không gian văn hoá cho giới trẻ, phát triển những ý tưởng và sáng tạo cộng đồng đồng thời gìn giữ những giá trị văn hoá và lịch sử.
Tại Singapore, tôi đã thấy một khu như thế. Họ làm rất tốt ngay trung tâm. Vừa gìn giữ kiến trúc, vừa kinh doanh các nhà hàng, quán bar, thư viện, có những bãi cỏ rộng lớn để các bạn trẻ đến giao lưu, đọc sách”.