Cuối năm 2018 sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương thực tế
Tại Hội nghị xin ý kiến góp ý xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Bộ Y tế cho biết, trong tháng 5/2018, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 37.
Theo đó, thực hiện khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 15/5/2018, trong đó hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá.
Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 39 dịch vụ (như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm).
Giai đoạn 2, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.
Trước mắt, Thông tư chỉ điều chỉnh, bổ sung những dịch vụ đã khảo sát và thấy cần điều chỉnh giá. Các dịch vụ còn lại, mặc dù BHXH Việt Nam và các đơn vị, địa phương có đề xuất, nhưng do chưa khảo sát, xây dựng lại định mức, nên sẽ để lại xem xét, điều chỉnh sau.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất của BHXH Việt Nam và quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc, ông Bằng cho biết: Một trong những nguyên nhân đề xuất sửa đổi Thông tư là giá ngày giường bệnh đang thanh toán ở mức cao, không phù hợp với thực tế.
Tại nhiều cơ sở y tế, chi phí giường bệnh chiếm tới 60% trong cơ cấu tổng chi phí điều trị. Bên cạnh đó, chi phí VTYT so với tổng chi phí DVYT cũng cho thấy nhiều điểm bất hợp lý...
”Với góc độ quyền lợi của người bệnh, việc sửa đổi Thông tư là cần thiết”- ông Bằng khẳng định; đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của BHXH Việt Nam trong quá trình sửa đổi Thông tư 37 là phải đưa giá các DVYT về mức hợp lý.
Đó là cần phải có tiêu chí, chuẩn mực về cơ cấu các yếu tố chi phí trong giá dịch vụ, phù hợp với thực tế và quyền lợi của người bệnh. Từ đó, điều chỉnh giá DVYT đang thấp so với thực tiễn lên cao hơn, cái nào cao thì điều chỉnh giảm cho phù hợp...