Không có vùng cấm
Ngày 3/5, tiếp xúc cử tri Cần Thơ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có quyết tâm chính trị rất cao. Xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm. Sắp tới Quốc hội sẽ xem xét tư cách đại biểu, nếu đại biểu Quốc hội nào vi phạm pháp luật, không còn được lòng tin của nhân dân thì Quốc hội sẽ xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, ngày 3/5. Ảnh: TTXVN.
Những ngày qua, tiếp xúc cử tri Cần Thơ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước: không dung túng sai phạm, dù bất kỳ cấp nào. Chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”. Cùng đó, những vấn đề dân sinh nóng bỏng cũng được Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đưa ra hướng giải quyết.
1. Về vấn đề “quy hoạch treo” gây bức xúc dư luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy hoạch lâu mà không triển khai là không thể chấp nhận. Ngành chức năng địa phương cần xem xét lại những dự án một cách hợp lý, tránh ảnh hưởng đời sống người dân. Nếu doanh nghiệp không có năng lực thì kiên quyết thu hồi dự án, không cho doanh nghiệp sang nhượng để kiếm lời; đồng thời tìm nhà đầu tư có năng lực để thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và chia sẻ nỗi lo của người dân về nhiều vấn đề, trong đó có việc mất an toàn thực phẩm, nhất là nạn “cà phê pin” gần đây. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi hàng gian, hàng giả, có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
“Luật Hình sự đã quy định đầy đủ, hóa chất độc hại, an toàn thực phẩm, giết người hàng loạt. Vấn đề là áp dụng pháp luật như thế nào. Tòa xử đưa vào hình phạt nào chứ không phải dừng lại ở mua gian bán lận. Như bây giờ đi uống cà phê hỏi có pin không, đi mua tiêu cũng hỏi tiêu có pin không? Khổ cho người dân”- Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh đến ý thức của người sản xuất, sự giám sát của nhân dân và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.
Trước thắc mắc của cử tri về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi khẳng định hoàn toàn không có chủ trương này”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chỉ mới là ý tưởng ban đầu để ra luật. Trước đây, Quốc hội có yêu cầu phải điều tiết thu nhập giữa người nghèo và người giàu. Người có 1 nhà với người có 2-3 nhà. “Người có 2-3 nhà sẽ đánh thuế như thế nào, chứ không phải tờ trình nhà trên 700 triệu đồng phải nộp thuế”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có quyết tâm chính trị rất cao. Nhiều vụ việc, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng về hưu vẫn bị kỷ luật. Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, sắp tới Quốc hội sẽ xem xét tư cách đại biểu, nếu bất cứ đại biểu Quốc hội nào có chức vụ hay không có chức vụ mà đã vi phạm pháp luật, không còn được lòng tin của nhân dân thì Quốc hội cũng sẽ xem xét xử lý, trên tinh thần không có vùng cấm. “Đây là chủ trương nhất quán và rõ ràng”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
2. Trở lại vấn đề sẽ xem xét tư cách đại biểu với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vi phạm pháp luật, không còn được lòng tin của nhân dân- như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khi tiếp xúc cử tri Cần Thơ. Hiện dư luận rất quan tâm đến trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Nhiều tháng qua, việc xử lý sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh đến đâu, mức độ nào vẫn là một đề tài “nóng bỏng”.
Mới nhất, ngày 4/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 111-TTr/UBKTTW, ngày 27/4/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1/2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty gỗ Tân Mai; khi chuyển công tác, bà đã không bàn giao Dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9-2014), bà đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình. Bà Thanh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.
Từ đó, căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Thanh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sự việc đã rõ.
Nhắc lại, đầu tháng 7/2017, sau phiên họp từ ngày 27 đến ngày 30/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.
Bên hành lang Quốc hội ngày 24/10/2017, khi trả lời báo chí những vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật và về việc khiếu nại, bà Thanh cho biết mình “khiếu nại một cách tổng quát, nói đúng hơn là tôi đề nghị làm rõ thêm thôi”. Về việc cử tri có ý kiến đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH của bà, bà Thanh cho biết “cử tri nói như vậy là thể hiện tinh thần trách nhiệm của cử tri với cái chung. Làm lãnh đạo thì sẽ có sai sót, nhưng sai thì sửa, đó là cái tất yếu”.
Đó là lý lẽ của bà Thanh, nhưng không thể vì thế mà phủ lấp được sai phạm. Đối với bất cứ ai, việc nhận ra khuyết điểm là cần thiết, nhưng không phải là kiểu hành xử cứ làm sai rồi sửa, đặc biệt là khi mình ở vị trí công tác, quyền lực quan trọng; cố tình làm sai vì mục đích trục lợi cá nhân và nhóm lợi ích.
Cũng cần nhắc lại, trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội: Quốc hội có xem xét tư cách đại biểu của bà Phan Thị Mỹ Thanh hay không; ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: các cơ quan chức năng đang xem xét theo quy trình cụ thể và sẽ báo cáo với Quốc hội.
Đến nay, với quyết định kỷ luật của Ban Bí thư, cùng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khi tiếp xúc cử tri (ngày 3/4 tại TP Cần Thơ), có thể thấy tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ được quyết định tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội những ngày sắp tới.
3. Quyết tâm của Đảng, Nhà nước kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, cho dù ở bất kỳ cương vị công tác nào đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, “trên nóng dưới cũng nóng”. Thời gian qua liên tiếp những sai phạm cho dù tưởng như đã “hạ cánh an toàn” cũng đã được xử lý.
Đó là trường hợp hai vị cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng một số cán bộ chủ chốt của thành phố này, dù sự việc đã trôi qua nhiều năm. Trước đó, không ít người cho rằng, sau khi xử lý kỷ luật Bí thư Thành ủy thì Đã Nẵng “không còn chuyện gì”. Không đúng! Sai phạm vẫn sẽ bị đưa ra ánh sáng, không bị chìm lấp bởi thời gian, đặc biệt đó là sai phạm có hệ thống nếu không muốn nói là có tổ chức.
Dư luận cũng hết sức bất bình khi vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc sử dụng công nghệ cao, dính líu đến một số sỹ quan cao cấp ngành Công an. Cựu Trung tướng- cựu Tổng cục trưởng; cựu Thiếu tướng- cựu Cục trưởng bị tạm giam, chờ ngày ra tòa. Tới nay, đã có 87 đối tượng bị khởi tố, trong đó 38 đối tượng bị bắt tạm giam, 8 đối tượng bị truy nã. Con số đối tượng liên quan quá nhiều càng cho thấy mức độ tội phạm rất nguy hiểm. Đáng tiếc thay, những con người từng có nhiều đóng góp nhưng rồi cũng không chống đỡ nổi sự cám dỗ vật chất, đã bị “những viên đạn bọc tiền” xuyên thủng.
Đó cũng là nỗi đau của công tác cán bộ khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn để mỗi người kịp dừng chân bên bờ vực tội lỗi.
* Dân bất an trước nạn buôn bán tàng trữ vũ khí Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 3/5, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề nghị các cấp, các ngành cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các địa điểm sản xuất, tàng trữ vũ khí trái phép. * Trước thắc mắc của cử tri về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi khẳng định hoàn toàn không có chủ trương này”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chỉ mới là ý tưởng ban đầu để ra luật. Trước đây, Quốc hội có yêu cầu phải điều tiết thu nhập giữa người nghèo và người giàu. Người có 1 nhà với người có 2-3 nhà. “Người có 2-3 nhà sẽ đánh thuế như thế nào, chứ không phải tờ trình nhà trên 700 triệu đồng phải nộp thuế”- Chủ tịch Quốc hội cho biết. |