Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố danh sách các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
Giải thưởng chính năm nay được trao tặng cho TS Trần Đình Phong-Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và PGS.TS Phạm Văn Hùng-Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM).
Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ được trao cho TS Đỗ Quốc Tuấn-Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. TS Tuấn là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý.
Trước đó, ngày 25/4, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 đã họp xem xét, đánh giá, lựa chọn các nhà khoa học được các Hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đề xuất.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển. Được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến nay Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các nhà quản lý và cộng đồng khoa học.
Lễ trao giải năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 tại Hà Nội.
Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986), quê quán Nam Đàn, Nghệ An. Ông là nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa VI (1946-1981).
Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trong những nhà trí thức tài giỏi của Việt Nam từ khi giành độc lập năm 1945. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam. Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Ngay trong những ngày Cách mạng mới thành công, ông vừa tham gia các công việc của chính phủ vừa giảng dạy môn vật lý tại Đại học Hà Nội.
Năm 1954, ông tham gia đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneva về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam ký văn bản Hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào (Hiệp định Genève về Việt Nam).