Liên kết để phát triển
Với những vùng kinh tế trọng điểm, cho dù nhận được nhiều sự ưu ái nhưng tốc độ phát triển vẫn chậm. Một trong những nguyên nhân là bởi sự liên kết vùng lỏng lẻo. Điều đó được nêu ra tại Hội nghị liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sau 10 năm thành lập.
Sau tròn 10 năm thành lập, ngày 5/5, tại Thừa Thiên-Huế đã diễn ra Hội nghị liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều ý kiến tại đây cho rằng, cần có cách tiếp cận khác để các tỉnh miền Trung liên kết phát triển. Mà một trong những cách tiếp cận mới chính là sự liên kết, không chỉ với miền Trung.
Nuôi thủy sản- thế mạnh của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do thiếu liên kết vẫn có tình trạng rớt giá.
Thay bằng liên kết lại là cạnh tranh khốc liệt
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập vào năm 2008, gồm 5 tỉnh là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Đây là vùng thuận lợi để hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc - Nam; cũng là cửa ngõ ra Biển Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối Myanmar, Campuchia, Lào với đường hàng hải quốc tế.
Hiện Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 4 khu kinh tế ven biển và 19 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN của cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung.
Con số tại Hội nghị cho biết, tính đến cuối năm 2016, các khu kinh tế, KCN trong vùng đã thu hút được hơn 1.280 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng.
Theo TS Dương Đình Giám (Trung tâm Tư vấn, nghiên cứu phát triển miền Trung) thì cho tới nay các khu kinh tế, KCN trong Vùng tuy đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng nhưng chưa tạo được bước đột phá trong phát triển công nghiệp.
Điều đó được chứng minh qua số lượng các KCN đã đi vào vận hành chưa nhiều, quy mô vốn đầu tư hạn chế, chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết, hàm lượng khoa học, công nghệ trong các dự án đầu tư còn thấp.
Xuất phát từ thực tế, ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng thì tròn 10 năm thành lập, đã đến lúc nhìn lại mô hình liên kết phát triển Vùng, đặc biệt trong việc phát triển các khu kinh tế, KCN.
Rất đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng, tại Vùng kinh tế trọng điểm này đã thiếu liên kết nhưng lại cạnh tranh nhau khốc liệt. Nói như ông Trần Đình Thiên, trước hết phải đánh giá cho được việc xây dựng khu kinh tế, KCN của Vùng sau 10 năm là thành công hay thất bại.
“Với cách làm như hiện nay, theo tôi là bỏ đi, thay cách khác”- ông Thiên nói và cho rằng phải có một cách tiếp cận khác về khu kinh tế, KCN; một cách tiếp cận khác về đầu tư nước ngoài, cách tiếp cận khác về Vùng thì mới xoay chuyển được tình hình.
Ông Thiên cũng đặt vấn đề: Tại sao cạnh tranh nội bộ Vùng rất khốc liệt, không liên kết mà cạnh tranh theo hướng cùng xuống đáy, hạ giá của mình xuống để kéo đối tác vào.
Đó là vì tư duy lợi ích cục bộ của mỗi địa phương. “Về liên kết, chúng ta cần điều kiện tiên quyết, đấy là một thể chế Vùng đủ quyền và đủ lực để liên kết các khu kinh tế, KCN”- ông Thiên nhấn mạnh.
Không thể mạnh ai nấy làm
Từ câu chuyện của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với những nút thắt, nhìn rộng ra, các vùng kinh tế trọng điểm khác cũng cần được mổ xẻ một cách nghiêm túc, để tăng tốc phát triển và phát triển bền vững.
Ở đây là câu chuyện của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng lại là vấn đề liên kết.
Ngày 6/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 593/QÐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội Vùng ÐBSCL giai đoạn 2016-2020. Mục đích khai thác cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong đó, có 3 vấn đề cần liên kết: Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây), bảo đảm cung - cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất; liên kết phát triển hạ tầng giao thông; liên kết phát triển hạ tầng thủy lợi.
Tới nay, tuy đạt được một số kết quả, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc liên kết thực sự của Vùng ĐBSCL vẫn còn rất xa.
Tại một hội nghị tổ chức tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ khẳng định, Chính phủ rất quan tâm vấn đề liên kết vùng ở ÐBSCL.
Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm quy chế này đang rất chậm.
Vùng ÐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước; nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trước tác dộng xấu từ biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tình trạng sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm vẫn tiếp diễn. Hậu quả của cung cách làm ăn đó dẫn tới việc được mùa rớt giá, không ít người sản xuất phải “treo ruộng, treo chuồng, treo vườn, treo ao”, và tình trạng ly hương vẫn diễn ra với tốc độ lớn.
GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội) từng nhận xét, ÐBSCL rơi vào cảnh tụt hậu là bởi các mô hình sản xuất chậm đổi mới. Ðáng lo ngại, tình trạng mạnh ai nấy làm đã dẫn đến cạnh tranh nội bộ, tranh mua, tranh bán, tranh nhau thu hút đầu tư… “Nguyên nhân cũng vì thiếu sự liên kết”- theo GS Trân.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, nhìn tổng thể, việc thiếu liên kết đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất và kinh doanh, thế mạnh của Vùng chưa được phát huy tốt nhất.
Tới nay, người ta vẫn nhận thấy rằng tại Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và một phần của Hậu Giang), tuy là một trong những nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của Vùng ÐBSCL, nhưng việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng.
Đặc biệt, khi nguồn nước của Vùng gặp khó khăn từ phía thượng nguồn Mekong thì vấn đề liên kết trong quản lý, sử dụng nguồn nước cũng lại cho thấy vẫn là một khoảng trống.
Thực tế từ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ĐBSCL cho thấy, liên kết là cách tốt nhất để cùng vượt qua khó khăn, cùng phát triển. Muốn có được sự liên kết thì từng địa phương phải thoát khỏi tư duy lợi ích cục bộ.
Và một việc rất quan trọng nữa, đó là vai trò “nhạc trưởng” của Vùng. Vấn đề đặt ra đã lâu nhưng không thấy rõ trong thực tế.