Các doanh nghiệp Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm quản lý giao thông đô thị
Thành phố thông minh có quy hoạch giao thông hiện đại là một trong những kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo diễn ra chiều ngày 7/5, được tổ chức bởi Đại sứ quán Thụy Điển cùng Tổ chức Thương Mại và Đầu tư Thụy Điển Business Sweden tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TNK.
Cuộc thảo luận bàn tròn tập trung vào chủ đề vận hành và quản lý giao thông công cộng bền vững tại Việt Nam.
Chủ trì hội thảo, Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng: Tương tự nhiều nước châu Á, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Tính đến năm 2014, khoảng 33% trong số 90 triệu dân Việt Nam sống tại các đô thị. Con số này dự kiến tăng lên đến 50% vào năm 2025.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng giao thông Việt Nam cũng có những vấn đề giống như ở Thuỵ Điển những năm đầu phát triển.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ và Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toàn cũng chỉ ra rằng ở Việt Nam chưa thực sự đồng bộ giữa quy hoạch với giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, thói quen giao thông tuỳ tiện, nhất là tại các vỉa hè đường phố cũng là một trong những trở ngại trong điều hành giao thông.
Trong thời gian qua, chính quyền ở đây đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện tình hình nhưng còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
“Hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai cùng lúc 6 nhóm giải pháp đồng bộ trong đó có việc tập trung nhiều nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo thành phố thông minh và tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, ông Toàn cho hay. Ông cho rằng cuộc hội thảo là rất cần thiết để trên cơ sở đó TP Hà Nội có thể tham khảo học hỏi phát triển giao thông đô thị.
Ông Toàn cho biết thêm, với định hướng của chính phủ hướng đến mục tiêu đô thị bền vững, giao thông công cộng trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển giao thông đô thị, trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam dự kiến phát triển theo hướng giao thông công cộng trở thành phương tiện vận tải chủ yếu nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, đến năm 2020, Việt Nam hướng đến hoàn thành mục tiêu 20% xe buýt và taxi sử dụng nhiên liệu sạch như LPG, CNG và năng lượng mặt trời.
Để đạt được những mục tiêu này, các doanh nghiệp đến từ Thuỵ Điển cho rằng: Việt Nam cần có tầm nhìn và kế hoạch cụ thể trên cơ sở những kinh nghiệm thành công ở các nước đang dẫn đầu thế giới trong việc phát triển lĩnh vực này.
Một trong những khuyến cáo này là việc lắp đặt các camera giám sát để có thể biết được những diễn biến giao thông để ứng phó kịp thời.
Đồng thời cần có những phần mềm nhận dạng phát hiện ra các hình ảnh, âm thanh đối tượng, phương tiện tham gia giao thông để từ đó có thể xác định nguyên nhân những gì đã và đang xảy ra trên đường.