Xuất khẩu gặp khó vì rào cản thương mại
Hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua thực hiện các hiệp định thương mại giúp DN mở rộng thị trường, kim ngạch xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế này, sản phẩm xuất khẩu cũng gặp khó vì nhiều nước đang thiết lập chủ nghĩa bảo hộ thông qua hàng loạt rào cản thương mại.
Tôm xuất khẩu là một trong những mặt hàng thường xuyên bị hàng rào thương mại cản trở.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 6 tỷ USD, 20 mặt hàng trên 2 tỷ, 29 mặt hàng trên 1 tỷ những tháng đầu năm 2018 tình hình xuất khẩu hàng hóa duy trì ở mức tốt. Về thị trường xuất khẩu, 4 thị trường có giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD, 28 thị trường hơn 1 tỷ USD. Tiếp tục với đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2017, những tháng đầu năm 2018 tình hình xuất khẩu được đánh giá cao. Dự báo, hoạt động này sẽ đón nhận sự khởi sắc trong các tháng còn lại, bởi vì nhiều hiệp định thương mại dần dần có hiệu lực.
Theo Bộ Công thương, dù thương mại toàn cầu có nhiều khởi sắc tác động trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên thị trường vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Ngoài yếu tố khắt khe về chất lượng thì chủ nghĩa bảo hộ đang quay lại và hình thành ở một số nước nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Điển hình, ngành thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt.
Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2017 xuất khẩu thủy sản cả nước cán đích với trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% với với năm 2016. Tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu thủy sản chiếm 17% với 1,4 tỷ USD, giảm 3%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 7,5%, cá tra giảm 10%. Lý giải về việc sụt giảm trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng từ chương trình thanh tra cá da trơn từ 1-8-2017, thuế chống bán phá giá tôm và cá tra.
Đánh giá là thị trường tiềm năng Hoa Kỳ cho hàng hóa xuất khẩu, song một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam như: Tôm, cá tra, tiêu, điều… thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, rào cản thương mại từ chương trình thanh tra cá da trơn, các quy định mới của đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Hoa Kỳ còn hướng tới việc định hình lại cách thức trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước khi từ bỏ kênh đa phương, đẩy mạnh thông qua kênh song phương với nhiều điều kiện khắt khe hơn. Trong thời gian tới các DN và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với sự bảo hộ ở mức độ cao hơn cũng như nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn.
Trước các rào cản thương mại được đặt ra tại một số thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN để kiến tạo và phát triển. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào DN cũng phải chống chọi bằng cách xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Một cơ thế mạnh khỏe không sợ bất kỳ thời tiết nào”.