Mặt trận là chỗ dựa cho nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khi trao đổi về chuyên đề MTTQ Việt Nam thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho cán bộ Mặt trận các tỉnh, thành phố năm 2018, khu vực phía Bắc, ngày 8/5.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định Mặt trận là chỗ dựa cho nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đánh giá việc MTTQ Việt Nam thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực, kiên trì vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và giành được sự quan tâm của các cấp Mặt trận, của đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Từ thực tiễn chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện tố cáo những hành vi tham nhũng, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng giải pháp hàng đầu chính là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực công cụ quan trọng để MTTQ Việt Nam tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí chính là giám sát và phản biện xã hội.
Trên cơ sở các quy định của Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và các quy định của Luật MTTQ Việt Nam, Nghị quyết liên tịch 403, MTTQ Việt Nam các cấp cần đẩy mạnh việc thường xuyên thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước để hạn chế những “kẽ hở” của chính sách, quy định của cơ chế có thể lợi dụng để tham nhũng; đẩy mạnh giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ công chức, viên chức và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật nhất là trong các lĩnh vực về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý tài nguyên và ngân sách.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam các cấp lựa chọn và triển khai giám sát một số vấn đề bức xúc dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như việc sử dụng đất đai, tài sản công; cơ chế đầu tư BOT, BT; trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ, thu hồi tài sản tham nhũng, việc sử dụng các loại quỹ…
Khẳng định thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phòng, chống tham nhũng Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phải phát huy vai trò nòng cốt là chỗ dựa, là người tổ chức để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; thực hiện giám sát cải cách hành chính và đánh giá sự hài lòng của người dân ở địa phương đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; giám sát thường xuyên cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để hạn chế tham nhũng, lãng phí, việc sách nhiễu với người dân.
Đặc biệt, MTTQ các cấp cần huy động sự tham gia chủ động, tích cực của báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí trước hết là cơ quan báo chí trong hệ thống Mặt trận trong tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí, trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng lãng phí.
Các ý kiến tại buổi tập huấn đề nghị cần xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng hữu hiệu, đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, thực hiện công khai minh bạch.
Đặc biệt cần kiểm soát thu nhập và tài sản cá nhân, kiểm soát quyền lực, tránh lợi dụng, lạm dụng quyền lực cũng như xử lý nghiêm cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt…
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trao đổi với các đại biểu bên lề buổi tập huấn.
Để thực hiện tốt chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết Ban Thường trực đã chủ trì phối các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch thực hiện trong đó chú trọng vào 6 nhiệm vụ và giải pháp; phân công bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh tố cáo của người dân, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của MTTQ trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đối với việc tổ chức thực hiện chương trình hành động số 19 của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý từng cấp Mặt trận cần xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện phân công bộ phận thường trực, hình thành quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, tố cáo của người dân liên quan đến biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm…
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị tập huấn, các cán bộ Mặt trận 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã được giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh các chuyên đề chuyên sâu như: phương pháp tổng hợp, nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, định hướng dư luận xã hội của MTTQ các cấp; phương pháp xử lý thông tin và cung cấp thông tin về công tác Mặt trận cho báo chí; tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc, tôn giáo.
Theo kế hoạch, Hội nghị tập huấn cho cán bộ Mặt trận 31 tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ bế mạc vào chiều nay 8/5.