Minh bạch tiền trường
Dư luận cho rằng việc lạm thu tiền trường chính là sự thiếu minh bạch trong thu chi trong các nhà trường lâu nay.
Trong khi các trường tư thục phải đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy thì nhiều trường công lập được nhà nước đầu tư lại ung dung thu nhiều khoản không minh bạch.
Điệp khúc lạm thu, rồi lạm dụng cơ sở vật chất để liên kết đào tạo thu tiền đã diễn ra nhiều năm qua nhưng thực tế là cơ quan quản lý giáo dục tại các địa phương chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả.
Số tiền thu được, nhiều trường tự khai để chi vào tiền bồi dưỡng thêm giáo viên, tiền giáo trình, chi phí bản quyền, chi phí điều phối chương trình một ít cho vào quỹ cơ sở vật chất, bảo vệ…
Và câu hỏi cần phải đặt ra là: Liệu số tiền thu được có chi vào đúng số lượng và danh mục chi ra không? Liệu có lợi ích nhóm ở đây không? Tình trạng lạm thu tiền trường liệu có được giải quyết dứt điểm không, khi nó xuất phát từ chính nhu cầu của một bộ phận phụ huynh, từ sự thống nhất giữa nhà trường với đại diện Hội phụ huynh các lớp?…
Mới đây, ý kiến của nhiều cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT bày tỏ sự hoan nghênh điểm mới trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành là miễn học phí tới bậc THCS, cho rằng đây chính là sự cố gắng của ngành giáo dục và chủ trương lớn của Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần xem xét ngân sách phân bổ cho giáo dục phải đảm bảo cho các trường THCS tự hoạt động và phải công khai minh bạch cũng như nâng cao công tác quản lý, giám sát để tránh tình trạng tìm mọi cách tận thu, lạm thu như bậc tiểu học.
Cử tri cho rằng, việc miễn, giảm học phí không có ý nghĩa nếu tổng chi phí năm học của mỗi học sinh vẫn tăng cao và là gánh nặng cho phụ huynh. Do đó, vấn đề chính là cần xem xét thấu đáo, cặn kẽ tất cả các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Bộ đang tiến hành rà soát các văn bản của Bộ để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang xem xét bổ sung cơ chế về huy động các khoản tài trợ, xã hội hóa thực hiện thu, chi qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, công khai, minh bạch, phần nào sẽ giảm bớt việc lạm thu của các cơ sở giáo dục.