Phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

Đức Trân 09/05/2018 08:13

Khoảng trên 12 triệu người trên toàn quốc mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia); trên 20.000 người bị Thalassemia cần phải điều trị cả đời và mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia – Đó là những con số được đưa ra tại cuộc Hội thảo “Thalassemia – Nguy cơ của chất lượng dân số Việt Nam” do Bộ Y tế chủ trì chiều ngày 8/5 tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương.

TS.BS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương nhận định: Thalassemia là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Thalassemia là bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ, đây là căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới.

Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, người bị bệnh Thalassemia thường chậm phát triển thể chất, có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu và quá tải sắt gây ra.

Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng suốt đời. Biện pháp điều trị cơ bản là truyền máu(truyền khối hồng cầu) và thải sắt. Do đó, bệnh nhân Thalassemia phải chịu rất nhiều thiệt thòi, điều trị gian nan, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, gia đình và toàn xã hội.

Thalassemia được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Bệnh có ở mọi quốc gia, dân tộc. ThS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà- Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Tổng Thư ký Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam cho biết: Bệnh Thalassemia không thể chữa khỏi, người bệnh phải điều trị suốt đời nhưng bệnh lại rất dễ phòng ngừa. Bệnh có các biểu hiện nổi bật đó là thiếu máu, sạm da, chậm phát triển… trán dô, mũi tẹt, răng vẩu, bụng to do lách to…

BS Hà khuyến cáo, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nếu xét nghiệm được nhận định là hồng cầu nhỏ thì phải nghi ngờ đến Thalassemia. Ngoài ra, phương pháp chính xác nhất hiện nay là phương pháp phân tích gen.

TS.BS Bạch Quốc Khánh cũng cho rằng, phòng bệnh là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gen bệnh trong giai đoạn tiền hôn nhân và tiền thai sản. Một vấn đề then chốt chính là việc xây dựng và triển khai chương trình Thalassemia quốc gia.

Chương trình Thalassemia sẽ góp phần kiểm soát bệnh, khống chế sự phát triển của nguồn gen bệnh, hạn chế trẻ em sinh ra bị bệnh cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Đức Trân