Cao Bằng, Lạng Sơn đòi tăng trần nợ công của địa phương
Cử tri hai tỉnh đều kiến nghị tăng tỷ lệ trần nợ công của địa phương, và câu trả lời của Bộ Tài chính là cả hai nơi đều đã vay nợ vượt hạn mức.
Tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 theo hướng tăng tỷ lệ trần nợ công của các tỉnh nghèo theo số tuyệt đối với mức 1.000 tỷ đồng hoặc theo tỷ lệ phần trăm lên mức 100% số thu ngân sách địa phương được hưởng.
Công văn trả lời của Bộ Tài chính nêu rõ, khoản 6, Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương như sau.
Đối với thành phố Hà Nội và TP HCM không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Theo Bộ Tài chính, quy định nêu trên nhằm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn, bền vững nợ công. Mức dư nợ cho từng nhóm địa phương được tính toán thận trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng trả nợ, đồng thời, có tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, văn bản trả lời cho biết, theo quy định, năm 2017 tỉnh Cao Bằng được phép dư nợ vay tối đa là 180 tỷ đồng. Nhưng thực tế, tỉnh này đã có dư nợ vay đầu năm 2017 là 568 tỷ đồng, cao hơn hạn mức dư nợ được phép hơn 3 lần.
Tuy nhiên, để thực hiện các Hiệp định vay nước ngoài đã ký kết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho tỉnh Cao Bằng vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài (năm 2017 là 15,75 tỷ đồng, năm 2018 là 46,6 tỷ triệu đồng). Đồng thời, bố trí ngay từ khâu dự toán bội thu ngân sách địa phương (năm 2017 là 175 tỷ đồng, năm 2018 là 95 tỷ đồng) để trả nợ nhằm đưa mức dư nợ giảm dần để đảm bảo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Cùng quan tâm, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị nâng mức dư nợ vay của ngân sách các tỉnh miền núi, biên giới từ 20% lên trên 50% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp để các địa phương có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Câu trả lời cho thấy, Lạng Sơn cũng tương tự Cao Bằng.
Cụ thể là, năm 2017 tỉnh Lạng Sơn được phép dư nợ vay tối đa là 300,9 tỷ đồng. Nhưng thực tế, tỉnh Lạng Sơn đã có dư nợ vay đầu năm 2017 là 853,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để thực hiện các Hiệp định vay nước ngoài đã ký kết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho tỉnh Lạng Sơn vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài (năm 2017 là 9 tỷ đồng, năm 2018 là 25 tỷ đồng). Đồng thời, bố trí ngay từ khâu dự toán bội thu ngân sách địa phương (năm 2017 là 272 tỷ đồng, năm 2018 là 147,3 tỷ đồng) để trả nợ nhằm đưa mức dư nợ giảm dần để đảm bảo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.