Muốn tăng lương, phải tinh giản
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, Trung ương cho ý kiến về đề án cải cách tiền lương. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần cương quyết tinh giản biên chế thì tăng lương mới đem lại ý nghĩa.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
PV: Thưa ông, lần này Trung ương sẽ cho ý kiến về Đề án cải cách tiền lương nhưng hiện nay vấn đề tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy đang diễn ra hết sức chậm. Nếu tăng lương nhưng bộ máy không giảm thì cải cách tiền lương sẽ khó mà thực chất. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đề án cải cách tiền lương (TƯ7) và tinh giản bộ máy (TƯ 6) phải tiến hành song song. Thực tế vấn đề tiền lương đã được đặt ra từ lâu, nhưng cứ trong vòng luẩn quẩn “con người rồi mới tăng lương hay tăng lương lên rồi mới đến con người”. Theo tôi phải làm song song. Hiện tinh giản biên chế đang rất chậm do đó phải làm mạnh hơn nữa. Tiền lương là động lực rất lớn của người lao động, nếu không tăng lương làm sao tăng được năng suất lao động lên được?
Vậy như ông nói, để Đề án cải cách tiền lương đạt hiệu quả thì Đề án tinh giản biên chế phải hoàn thành nhiệm vụ, thưa ông?
- Trong cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ là vấn đề thường xuyên. Bây giờ cần tập trung làm vì bộ máy vẫn cồng kềnh. Trong bộ máy quản lý nhà nước, cải cách bộ máy được diễn ra thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ. Các nước tiên tiến đến bây giờ vẫn còn phải tiếp tục cải cách chứ không chỉ mình nước ta. Nhưng giờ phải làm quyết liệt vì tổ chức bộ máy rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc cho nên phải làm quyết liệt và mạnh.
Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 là tinh giản 10%, do đó phải làm đồng bộ. Đây là chủ trương của Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến về định hướng trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ, còn sau đó phải tính toán nhiều và đến thời kỳ 2021 mới thực hiện được. Bây giờ luôn nói cán bộ công chức không sống được bằng lương, vậy sống bằng gì? Do đó họ phải tìm nhiều cách để sống.
Theo ông, Đề án cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu như thế nào?
- Trong Đề án cũng cho thấy sẽ đảm bảo cho cán bộ công chức, viên chức phải sống được bằng lương. Lúc đó người ta mới yên tâm với công việc của mình đề nâng cao năng suất lao động. Từ đó họ không nghĩ đến chuyện tham ô nữa, kể cả lãng phí thời gian cho đến tiền của.
Tuy nhiên cũng cần nhiều biện pháp về mặt pháp luật, kỷ cương. Để nâng cao chất lượng của bộ máy, giảm thiểu tiêu cực phải nâng cao đời sống để người lao động, cán bộ công chức, viên chức sống thực sự bằng lương. Như vậy họ mới toàn tâm toàn ý để nâng cao năng suất lao động. Và đó chính là mục tiêu mà đề án cải cách tiền lương cần đặt ra.
Phải chăng chính vì đồng lương không đảm bảo nên công chức nghĩ ra cách nọ, cách kia để sống và dẫn đến tiêu cực hay do đạo đức công vụ, thưa ông?
- Cái này rõ rồi. Do lương không đủ sống nên họ bớt thời gian lao động rồi làm việc nọ, việc kia, thậm chí là tiêu cực để đảm bảo đời sống. Ví dụ không toàn tâm cho công việc mà đi làm việc thêm, thành ra Nhà nước cũng bị “ăn cắp” thời gian làm việc. Hiện lương mới đáp ứng được 40-50% đời sống cho nên đến nay vẫn có một câu hỏi: Con gà có trước hay quả trứng có trước? Tức là tăng lương hay để tăng năng suất lao động rồi mới tăng lương. Chúng ta phải làm đồng thời chứ không thể chờ tăng năng suất lao động rồi mới tăng lương.
Thưa ông, hiện Đề án cải cách tiền lương xác định trả lương theo chức vụ và vị trí việc làm. Nhưng lương cũng phải tương xứng với vị trí việc làm thì mới thực sự thu hút được người tài?
- Rõ ràng phải trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ. Hiện đang có nhiều bất cập là các bậc lương là bình quân, cào bằng nên người ta không làm hết trách nhiệm. Còn nếu trả theo vị trí việc làm nghĩa là trả theo kết quả công việc, và sản phẩm. Cho nên phải xây dựng vị trí việc làm cho chuẩn, từ đó có thể xác định định biên cho tốt, phù hợp với tuyển dụng. Lúc đó đào tạo, bồi dưỡng cũng theo vị trí việc làm.
Ông có mong mỏi và kỳ vọng gì về vấn đề cải cách tiền lương?
- Chúng ta đã nhiều lần bàn đến cải cách tiền lương nhưng chưa đạt. Do đó theo tôi lần này Trung ương bàn đã có sự đột phá vì chưa bao giờ trả lương theo vị trí việc làm. Thế giới đang trả lương theo kết quả công việc, theo vị trí việc làm. Làm ở vị trí nào, kết quả công việc thế nào, thì được trả lương theo sản phẩm công việc chứ không cào bằng. Hiện nay cách của chúng ta trả lương đang cào bằng, cứ sống lâu là được tăng bậc, mỗi bậc tăng được một ít nên họ phải tìm cách này cách kia để sống. Cho nên nó tự nhiên tạo ra mất mặt bằng chung của cả nước.
Chốt lại, theo ý ông, chúng ta phải tinh giản đạt kế hoạch thì mới phù hợp với đề án cải cách tiền lương?
- Đảng, Nhà nước đang có quyết tâm rất cao trong tinh giản biên chế, đó là nhu cầu của cuộc sống. Có điều phải quyết tâm mạnh hơn nữa vì việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn lại để tránh việc nhiều tầng nấc, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính. Chúng ta phải kiên quyết, tinh giản không chỉ giảm mà phải tinh lọc để nâng cao chất lượng. Đó cũng chính là động lực cho họ phấn đấu, vì cán bộ công chức được hưởng lương mà không phấn đấu sẽ bị sa thải. Cho nên buộc họ phải phấn đấu vươn lên, và đó chính là động lực.
Trân trọng cảm ơn ông!