Nhiều thanh niên bị lừa, ép buộc lao động tại các bãi vàng
Ngày 9/5 , UBND xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, đang nỗ lực phối hợp cùng với lực lượng Biên phòng và các ban – ngành chức năng của huyện, ngăn chặn tình trạng con em các gia đình trong xã bị đối tượng xấu dụ dỗ, lừa vào các bãi vàng, cưỡng bức lao động.
11 lao động ở A Vao và Tà Rụt vừa được Biên phòng Quảng Trị giải cứu khỏi bãi vàng Phước Sơn, Quảng Nam.
Thoát khỏi bãi vàng
Trước đó, vào ngày 7/5, UBND xã A Vao, cùng ban – ngành chức năng huyện Đakrông, đã tổ chức họp dân, thông tin chính thức về vụ việc 20 thanh niên xã này bị một số đối tượng dụ dỗ, đưa vào lao động cực nhọc tại các bãi vàng ở Quảng Nam. Thủ đoạn, chiêu thức dụ dỗ thanh niên vào lao động tại các bãi vàng cũng được chính quyền xã A Vao và đại diện ngành chức năng huyện phổ biến rộng rãi đến người dân để nâng cao cảnh giác.
Theo Phòng Lao động -Thương Binh và Xã hội huyện Đakrông, thủ đoạn dụ dỗ, đưa thanh niên dân tộc thiểu số vùng cao vào các bãi vàng, ép buộc làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn với thù lao rẻ mạt đã từng xảy ra ở huyện miền núi này.
Tại buổi họp dân, 20 thanh niên vừa được Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp với Biên phòng và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, giải thoát khỏi bãi vàng ở huyện miền núi Phước Sơn, đã kể lại quá trình bị dụ dỗ, cưỡng bức lao động ở bãi vàng. Theo đó, vào đầu tháng 3 - 2018, có 2 người đàn ông đến hỏi thăm một số người dân ở A Vao về nhu cầu việc làm. Sau đó, 2 người này đã mời một số thanh niên ở A Vao ra thị tứ Tà Rụt, cách đó gần 10 km để ăn uống.
Trong lúc uống rượu, bia, 2 người này gợi ý, hứa hẹn giúp các thanh niên có công việc nhẹ nhàng, lương cao và ổn định. Tin vào lời hứa của 2 người đàn ông ăn mặc lịch sự và hào phóng, 20 thanh niên ở A Vao và Tà Rụt đã ký tên, điểm chỉ vào các đơn xin việc được soạn sẵn. Sáng sớm hôm sau, tất cả cùng lên xe khách theo 2 người đang ông vào thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, bắt đầu quá trình lao động nhọc nhằn tại bãi vàng.
20 thanh niên bị ép buộc làm việc nặng nhọc tại các hầm vàng tối tăm, ngột ngạt. Bất cứ ai có ý định xin trở về đều bị đánh đập, đối xử rất tàn nhẫn. Trưa 12/4, một nhóm 13 thanh niên đã bỏ trốn, chạy thục mạng bằng chân trần ra khỏi bãi vàng và sau đó bị lạc nhau trong rừng, phải ăn lá cây, uống nước suối cầm cự qua nhiều ngày.
Đến ngày thứ 3, một thanh niên trong số họ đã về được A Vao, cấp báo sự việc với Đồn Biên phòng La Lay đóng trên địa bàn xã. Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, ngay sau đó đã tổ chức lực lượng vào các khu vực rừng núi của huyện Phước Sơn giải cứu, đưa được 10 thanh niên về an toàn.
Riêng các em Hồ Văn Tài (18 tuổi, xã Tà Rụt), bị lạc trong rừng, đi lang thang đến 8 ngày sau mới tìm về được quê nhà. Trong số lao động tìm cách thoát khỏi bãi vàng có ông Hồ Cu Đan (41 tuổi, trú tại xã Tà Rụt) bị khuyết tật ở chân nên chạy chậm, bị bắt trở lại và đánh phải nhập viện cấp cứu.
Cần ngăn chặn từ gốc
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết: Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị đã yêu cầu các đồn biên phòng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu và không nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng cò việc làm khi chưa biết rõ người đó là ai và địa điểm lao động mà mình sẽ đến.
Việc Biên phòng Quảng Trị giải cứu 11 lao động tại bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam) dù rất nỗ lực, kịp thời nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Quan trọng hơn cả là phải làm sao để mọi người dân ở khu vực biên giới luôn thường trực ý thức cảnh giác với vấn nạn cò lao động đang có những diễn biến phức tạp ở địa bàn miền núi.
Ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị cũng đề cập đến thực trạng không ít doanh nghiệp tư nhân tự tìm về địa phương, gặp gỡ người dân rồi tự thỏa thuận lao động. Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng lao động là con em đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị bị dụ dỗ, ép buộc làm các công việc nặng nhọc; năm 2017, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề cho 456 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Năm 2018, bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, Sở dự kiến mở 22 lớp dạy nghề cho 550 lao động ở Đakrông và Hướng Hóa.