Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh giám sát công tác phát triển KHCN tại Long An
Ngày 11/5, Đoàn Công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh Long An. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình làm việc của đoàn về việc giám sát thực hiện Nghị quyết TƯ6 (khóa XI) về phát triển Khoa học - Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ tại các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Long An.
Tham gia cùng đoàn công tác có đại diện Bộ Khoa học Công nghệ; đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở khoa học & Công nghệ, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) và đã đạt được những kết quả khả quan, nổi bật một số đề tài như: Đo lường năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đánh giá đóng góp của KHCN vào TFP của tỉnh từ năm 2011 – 2014; nghiên cứu các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của bán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh Long an; nghiên cứu xây dựng chương trình tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp cho Trưởng khối vận cấp xã ở Long An…
Ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng sổ tay điện tử VietGAP, hệ thống tưới và bón phân thông tin, thông tin thị trường nông sản.
Ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An. Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ rượu hèm, cám gạo, phân trùn quế phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An.
Quang cảnh buổi làm việc.
Nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư đẩy mạnh, nổi bật là ứng dụng tia lazer trong san phẳng đồng ruộng do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN Long An triển khai thực hiện, ứng dụng cơ giới hóa trong thâm canh cây đậu phộng, cây mè; xây dựng hệ thống theo dõi tưới tiêu thông minh trên cây thanh long, cây rau nhằm giảm chi phí canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tàu theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi vịt Grimaud, thử nghiệm mô hình gà Tây, nuôi thương phẩm gà Đông Tảo, cải tạo đàn bò, đàn trâu của địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi…
Tuy nhiên hoạt động, phát triển về KHCN của Long An cũng còn tồn tại một số hạn chế như: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp và đơn vị, vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ dạng mô hình, chưa được nhân rộng nhiều vào quá trình sản xuất của nông dân, chưa tạo được thói quen cho nông dân ứng dụng tiến bộ KHCN cao vào sản xuất đại trà, hiểu biết về nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế; các chương trình hợp tác quốc tế về KHCN chưa nhiều; công tác xã hội hóa các hoạt động KHCN vẫn còn hạn chế…
Công trình “Dự án đầu tư tăng cường năng lực đo lường, thực nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ quản lý Nhà nước tỉnh Long An” đến nay vẫn chưa được cấp vốn mua sắm thiết bị, đại diện tỉnh Long An đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để dự án đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN; hỗ trợ Sở KH&CN các chương trình, đề án của Bộ KH&CN, đặc biệt về nội dung hợp tác quốc tế trên lĩnh vực KHCN; Bộ KH&CN xem xét, ban hành cơ chế, chính sách về hợp tác công tư trên lĩnh vực KHCN.
Theo ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng trưởng kinh tế năm của Long An vừa qua tăng trưởng trên 9,5%, thu ngân sách cao nhất các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu long, hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên…trong số thành công đó có sự đóng góp quan trọng của KHCN.
Mặc dù đã có nhiều thành công như trên nhưng KHCN của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như ưu đãi về thuế, đất đai, vốn…Thời gian tới Long An sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế, đồng thời sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý của đoàn công tác và đại diện từ các sở, ngành nhằm điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Đại diện tỉnh Long An báo cáo về KHCN thời gian qua.
Ông Liên cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, các Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ Long An xử lý cây lục bình trên các sông, kênh, rạch đã gây rất nhiều khó khăn cho đời sống bà con mà đến nay vẫn chưa có phương án xử lý khả thi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đánh giá cao hoạt động KHCN của tỉnh Long An. Tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết TW6 (khóa XI) về phát triển KHCN và Luật KHCN, đồng thời cũng đề ra được các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Những thành quả, các chỉ số đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của KHCN.
Hàng năm tỉnh đã tổ chức thẩm định được các dự án đầu tư, rà soát công nghệ, quản lý công nghệ giúp cho tỉnh ngăn chặn được công nghệ lạc hậu. “Cái mới mà ở các nơi không trong khi Long An có là nghiên cứu các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của bán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh, đây là điểm nhấn của tỉnh”- Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị Long An cần tập trung các sở, ngành để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; cần học tập trao đổi kinh nghiệm ở những nơi khác nhằm vận dụng cho tỉnh nhà; triển khai các chính sách riêng nhằm thu hút lao động chất lượng về địa phương.
Phát huy vai trò, hiệu quả về tư vấn, phản biện của các Hội đồng Tư vấn, đồng thời cần nghiên cứu cơ chế để thực hiện tốt về KHCN. Tỉnh ủy cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt Nghị quyết này; quan tâm đến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, Mặt trận các đoàn thể và các đơn vị, phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, chủ động đề xuất đặt hàng để nghiên cứu, phát triển KHCN, trong đó xem mục tiêu kinh tế đặt lên hàng đầu. Ngành KHCN nên tham mưu cho tỉnh cần có cơ chế ưu tiên để kêu gọi đầu tư vào nghiên cứu, phát triển KHCN.