Huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Năm 2017, tỉnh Trà Vinh đã giảm được gần 7.300 hộ nghèo so với năm 2016, trong đó, có hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer.
Ông Huỳnh Trung Càng ở ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang nuôi bò cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Từ kết quả đạt được, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, huy động các nguồn lực để giảm nghèo nhanh và bền vững, trọng tâm là các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Toàn tỉnh hiện còn hơn 23.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,41% tổng số hộ dân trong tỉnh. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững, nguy cơ nghèo và tái nghèo còn cao. Cùng với đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm chưa ổn định; một số hộ nghèo chưa chí thú làm ăn, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng…
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2 - 2,5%, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer giảm 3%; hộ cận nghèo giảm từ 1 - 2%. Đồng thời, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng đầy đủ chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội khác.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh huy động các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, ngân sách tỉnh, tranh thủ nguồn vốn của các dự án trên địa bàn, nguồn vận động… để phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững.
Cùng với nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng về chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và giảm nghèo; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo…là các giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, vận động xã hội hoá hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tỉnh đã xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước, xác định đối tượng ưu tiên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nâng cao nhận thức cho người nghèo, phát huy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các địa phương hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả về giảm nghèo; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giảm nghèo, cá nhân vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đồng bào Khmer nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn phát triển sản xuất, nước sinh hoạt, điện… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc.