Tòa Tối cao rút hồ sơ vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em
Trong ngày hôm nay, TAND Tối cao cử chánh án và thẩm phán cấp cao đến TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để rút hồ sơ vụ án dâm ô trẻ em về xem xét lại.
Sáng 15/5, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, trong ngày hôm nay, TAND Tối cao sẽ cử chánh án và thẩm phán cấp cao đến TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để rút hồ sơ vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em về xem xét lại.
Việc này xuất phát từ phản ánh của báo chí và dư luận xã hội. Theo ông Tuệ, TAND Tối cao có cơ chế kiểm duyệt nên những vụ án dù không được báo chí phản ánh mà TAND Tối cao phát hiện thấy có vấn đề đều sẽ rút hồ sơ về để xem xét.
Trong trường hợp TAND Tối cao thấy bản án vụ ô trẻ em ở Vũng Tàu có vấn đề sẽ thực hiện theo trình tự giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án.
Phiên tòa xét xử bị cáo Thủy
Viện KSND Cấp cao tại TP HCM cũng cho biết sau khi nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với bản án tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, Viện KSND Cấp cao đã chỉ đạo rút hồ sơ vụ án lên để xem xét trên cơ sở kháng nghị toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa ký hai công văn gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị chỉ đạo xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Khắc Thủy.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xét xử phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô đối với trẻ em. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã theo dõi, phản ánh ngay từ khi vụ việc được tố giác và có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng VKSND Tối cao. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực vào cuộc để điều tra, truy tố và xét xử.
Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thấy, đây là vụ án dâm ô trẻ em phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định hành vi và tuyên giảm mức án đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại bản án phúc thẩm.
Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn vụ án tiếp tục được xém xét một cách toàn diện, đầy đủ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa chung trong xã hội.
“Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Chánh án TAND tối cao chỉ đạo xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dâm ô trẻ em tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, công văn nêu.
Trước đó, vào ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên xử phúc thẩm vụ án "Dâm ô trẻ em" đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, nguyên Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngụ chung cư Lakesside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu).
Ở phiên tòa sơ thẩm 6 tháng trước, bị cáo Thủy bị tuyên phạt 3 năm tù giam và sau đó đã có đơn kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, dựa vào quá trình điều tra, các chứng cứ, lời khai nhân chứng, đã đủ chứng cứ để kết tội bị cáo Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với 2 bé gái là N.N.A.D (SN 2008) và cháu T.H.A (SN 2003). Đại diện VKS yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù giam như cấp sơ thẩm đã kết tội.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo đối với bị cáo Thủy. Theo HĐXX, hiện chưa xác định được hành vi phạm tội của Nguyễn Khắc Thủy trong vụ bé H.A, riêng vụ bé D. đã có đủ chứng cứ kết tội. Ngoài ra bị cáo là Đảng viên, có nhiều đóng góp cho địa phương và hiện tuổi cao sức yếu.
Bản án có trái pháp luật?
Theo luật sư Lê Ngọc Luân, Tòa cho bị cáo Thủy hưởng án treo là trái pháp luật vì theo nghị quyết 01/2013 quy định: "Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án". Một chi tiết hết sức lưu ý mà không phải ai cũng nhận ra, vụ án có nhiều nạn nhân, vì thời hạn, CQĐT tách ra để điều tra các cháu khác.
Bị cáo Thủy tại tòa.
Một mặt, toà tuyên bị cáo Thuỷ tội dâm ô, mặt khác CQĐT đang tiếp tục điều tra các cháu bé khác, vậy bản án treo của toà án có đảm bảo chắc chắn 100% rằng ông Thuỷ không thực hiện các hành vi với những nạn nhân khác?
Nếu đang điều tra, bị cáo Thuỷ bỏ trốn thì sao? Ở đây, luật pháp quy định, án treo chỉ được áp dụng nếu xét thấy bị cáo sẽ không tiếp tục hoặc có nguy cơ gây án. Đó là điều quan trọng nhất trước khi phán quyết mà HĐXX cần phải đánh giá được.
Toà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy lý do ông Thuỷ tuổi cao sức yếu, nhưng câu hỏi đặt ra - đã có kết luận giám định của cơ quan y tế rằng bị cáo Thuỷ yếu hay không? Hình ảnh bị cáo nằm tại ghế để bác sĩ khám nhưng khi tuyên án ông Thuỷ thật "hiên ngang", tuyên xong lừng lững tiếp bước ra về, vậy có yếu hay không? Không phải cứ già là yếu.
Theo luật sư Luân, Toà cho án treo vì chứng cứ vụ án còn yếu, chỉ căn cứ lời khai thì không đủ. Nếu chỉ căn cứ duy nhất lời khai thì không có bất kỳ CQĐT nào dám truy tố một người ra trước vành móng ngựa cả (dù niềm tin nội tâm cho thấy người đó phạm tội).