NMXS Đình Vũ đang đi đúng trên lộ trình ổn định hiệu quả
Trước hết, cần phải khẳng định việc PVN đã triển khai vận hành trở lại Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ được thực hiện với tinh thần thận trọng, chắc chắn theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ (Ban chỉ đạo Chính phủ).
Định hướng khởi động cho nhà máy
Từ giữa năm 2017, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình xử lý các dự án yếu kém thuộc Tập đoàn. Riêng đối với NMXS Đình Vũ, PVTEX và lãnh đạo PVN đã có những cuộc làm việc quan trọng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Viện Dệt may Việt Nam… để tìm rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong sản xuất kinh doanh của PVTEX như tình hình thị trường, chu kỳ phát triển của ngành hóa dầu, dệt may….
Từ đó đưa các phương án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm căn cứ đánh giá kỹ càng, thực tế để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ. Cụ thể, PVN đã đệ trình đầy đủ các phương án xử lý đối với NMXS Đình Vũ từ hợp tác sản xuất kinh doanh đến phương án phá sản.
Sau khi thẩm tra, đánh giá tình hình thực tế về hiệu quả cũng như vai trò của NMXS Đình Vũ trong chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam, Ban chỉ đạo Chính phủ đã yêu cầu PVN và PVTEX đánh giá lại toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm, tiềm lực để hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả NMXS Đình Vũ.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, tìm kiếm đối tác hợp tác đúng như chỉ đạo của Chính Phủ, vào tháng 9/2017, PVN đã tổ chức hội thảo “Đánh giá công nghệ, sản phẩm và định hướng phương án khởi động lại Nhà máy Xơ sợi (NMSX) Đình Vũ”. Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bày tỏ sự khẩn thiết mong muốn NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại. Còn các đối tác cung cấp thiết bị và bản quyền công nghệ cho các dây chuyền sản xuất như Neumag – Barmag (CHLB Đức) và Nhà cung cấp bản quyền công nghệ Uhde Vivekanand Gundavarupa sau khi khảo sát thực tế tại NMXS Đình Vũ đều cam kết chất lượng máy móc thiết bị đã lắp đặt tại Nhà máy.
Tiếp đến, PVTEX đã thực hiện công tác mời chào các nhà đầu tư hợp tác có đầy đủ tiềm năng gửi hồ sơ tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh NMXS Đình Vũ. Sau rất nhiều nỗ lực, tìm kiếm, đánh giá năng lực thực tế, PVTEX đã tiến hành lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác sản xuất kinh doanh (SXKD) với liên danh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài là Tập đoàn Reliance Industry Ltd. (là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi của Ấn Độ) và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực xơ sợi.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với PVTEX, là bước tiến quan trọng đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sau một thời gian dài tìm kiếm đối tác, thể hiện nỗ lực của các cấp cũng như của các cổ đông PVTEX trong đó có PVN trong việc triển khai Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo.
Với kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp, là một Tập đoàn có năng lực về tài chính mạnh, Tập đoàn An Phát đã tiến hành làm việc với các đối tác trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm polyester trong thời gian vừa qua để thống nhất phương án cùng hợp tác SXKD với PVTEX trong thời gian tới.
Ở đây cần phải nói thêm rằng, NMXS Đình Vũ sản xuất xơ và sợi polyester là các sản phẩm thuộc khâu trung gian cho các nhà máy sợi và nhà máy dệt vải. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chính như nguyên liệu đầu vào (PTA và MEG là các sản phẩm hóa dầu) và thị trường đầu ra (nhu cầu của các nhà máy sợi). Hiện tại, các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam vẫn chưa sản xuất ra các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xơ sợi polyester và đặc biệt thị trường xơ sợi tổng hợp của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia. Nói cách khác là NMXS Đình Vũ không thể chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường.
Chính vì vậy, khi hợp tác với Tập đoàn An Phát và các đối tác quốc tế là các tập đoàn giàu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh xơ sợi, có nguồn nguyên liệu tốn, ổn định về giá cả sẽ đưa NMXS Đình Vũ vào chuỗi giá trị chính thức của ngành dệt may, loại bỏ được những yếu tố bất lợi nêu trên, đi đến hoạt động hiệu quả. Theo kế hoạch dự kiến, các bên sẽ đàm phán chi tiết các nội dung trong biên bản ghi nhớ trước khi đi đến ký Hợp đồng hợp tác SXKD dự kiến vào cuối tháng 5/2018.
Mặt khác, trong thời gian chuẩn bị quá trình hợp tác SXKD, tận dụng cơ hội khi thị trường xơ sợi tổng hợp tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang có biên lợi nhuận cao, PVTEX đã có giải pháp sáng tạo để khởi động từng phần NMSX Đình Vũ với mục tiêu tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, tiến tới vận hành toàn bộ Nhà máy một cách hiệu quả.
Theo đó, sau một thời gian thực hiện công tác chuẩn bị, từ ngày 20/4/2018, PVTEX đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức phân xưởng kéo sợi. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, được khách hàng đánh giá cao. Đồng thời, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các phân xưởng kéo sợi, PVTEX đã ký Thỏa thuận khung tiêu thụ sản phẩm sợi DTY với hai công ty tiêu thụ sản phẩm DTY chính là Công ty Tín Thành và Công ty Vân Nam. Ngoài ra có một số khách hàng lớn khác cũng đã quan tâm và đặt hàng, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ hết.
Đến thời điểm hiện nay, ba dây chuyền DTY đang hoạt động ổn định, sản xuất các sản phẩm sợi DTY 75/36 và 75/72. Các dây chuyền khác đang được bảo dưỡng, chạy không tải và tiếp tục được chuẩn bị đưa vào hoạt động theo kế hoạch với mục tiêu Quý IV năm nay sẽ vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi DTY.
Cần hoạt động ổn định, lâu dài
Để đưa NMXS Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại, sẽ là không thừa khi nhắc lại về những điều kiện cần và đủ để nhà máy sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Tại lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất kinh doanh NMXS Đình Vũ, Ông Phạm Anh Dương - Chủ tịch Tập đoàn An Phát, đại diện liên danh đã thể hiện thiện chí, mong muốn hợp tác đồng thời thẳng thắn nêu ra các điều kiện tiên quyết để đưa nhà máy vận hành ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Trước tiên, Chính phủ bảo đảm về pháp lý và bảo đảm trên thực tế quyền hợp tác, quản lý, vận hành nhà máy ổn định, không bị trì hoãn, gián đoạn hoặc ảnh hưởng khác gây ra bởi bất cứ bên nào, bao gồm các chủ nợ, các bên cho vay, nhà thầu, người lao động của PVTEX… Đây là điều kiện tiên quyết, bởi bất cứ một doanh nghiệp nào khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đầu tư cũng yêu cầu sự bảo đảm và lo ngại sẽ bị mất vốn bởi các yếu tố ngoài kiểm soát, “thay đổi cơ chế”.
Phía đối tác cũng mong muốn tham gia chuỗi Hóa dầu của các nhà máy thuộc lĩnh vực này của ngành Dầu khí nhằm kết nối chuỗi giá trị, gia tăng tính chủ động và nâng cao hiệu quả cho cả chuỗi sản xuất.
Cùng với điều kiện đó là việc chấp thuận cho đối tác được quyền ưu tiên mua cổ phần của PVTEX trong trường hợp PVTEX cổ phần hóa hoặc PVN thoái vốn tại PVTEX. Các đối tác đề xuất được hưởng quyền ưu tiên khi chào bán đầu tiên cổ phần của PVTEX theo hình thức bán chỉ định với số lượng cổ phần được ưu tiên mua không thấp hơn 25% tổng số cổ phần chào bán. Điều kiện trên cũng có thể coi như một sự thể hiện đầy thiện chí của liên doanh đối tác vận hành của PVTEX. Bởi hơn ai hết, họ có sự tin tưởng lớn vào chất lượng thiết bị máy móc, khả năng vận hành, chất lượng sản phẩm, hệ thống kinh doanh của NMXS Đình Vũ.
Là một trong những người may mắn được từng bước dõi theo sự “lận đận” của NMXS Đình Vũ từ những ngày khởi đầu xây dựng đến nay, tôi phần nào hiểu được tại sao rất nhiều người lao động dầu khí chân chính lại có những cảm giác khó tả khi chứng kiến nhà máy vận hành trở lại. Nói một cách không quá khi khẳng định rằng nhà máy đã bước được bước đầu tiên trong quá “hồi sinh” cùng với kế hoạch rõ ràng, dài hạn cho tương lai, đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, một niềm tin vào tương lai của hàng trăm người lao động chân chính của PVTEX. Và đây cũng chính là lúc đội ngũ những người lao động đã không ngại khó, xắn tay vào khôi phục Nhà máy cùng với người lao động của PVTex cần, mong muốn nhận được sự quan tâm, động viên khích lệ hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Phó Văn phòng Illies - Đại diện Tập đoàn OERLICON (Neumarg & Barmarg) Phạm Thái Hà: Đại diện của Tập đoàn Thyssenkrupp - Nhà cung cấp bản quyền Uhde Vivekanand Gundavarupa: |