Tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu
Ngày 15/5, cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) toàn dân nước ta một lần nữa lại được các nước thành viên của Nhóm Đối tác quốc tế (HPG) họp đưa ra nhiều lời khuyên cũng như tư vấn.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi những hoạt động năm 2018 của HPG, tập trung vào chủ đề CSSKBĐ hướng tới CSSK toàn dân.
TS Momoe Takeuchi - Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam tuy có mạng lưới y tế cơ sở rất rộng khắp và hiệu quả, tuy vậy, công tác CSSKBĐ ở đây mới chỉ nhận được sự phân bổ 4% quỹ BHYT. Bên cạnh đó, nước ta lại thiếu nền tảng y tế điện tử kết nối hệ thống tài chính và chi trả BHYT cho khám chữa bệnh cá nhân.
Tại cuộc họp, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng: Ngoài việc cần sắp xếp lại mạng lưới y tế cơ sở theo hướng bảo đảm y tế cơ sở là tuyến đầu trong phòng chữa bệnh, ngành Y tế đã xác định phải đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho mạng lưới này cũng như đổi mới phương thức chi trả gắn liền hiệu quả hoạt động.
Đây là một trong nhiều khuyến nghị của đa số các tham luận tại hội nghị một khi chúng ta có thể lo đủ kinh phí cho ngành y tế. Việc nâng cao này phải thông qua những gói dịch vụ, mô hình chăm sóc và nhân lực, WHO khuyến nghị. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ: Nhà cung cấp dịch vụ tư nhân có vai trò quan trọng trong CSSKBĐ. WHO khuyến nghị cần đưa các nhà cung cấp tư nhân/không chính thức vào mạng lưới tuyến y tế huyện, đồng thời cấp chứng chỉ cho họ cũng như yêu cầu họ tham gia hệ thống y tế điện tử để chuẩn hóa chất lượng và quản lý. Đưa họ vào diện thanh toán BHYT nếu họ tuân thủ và mong muốn tham gia.