Để không còn nạn chạy chức, chạy quyền

Mai Loan 10/05/2018 09:00

Sáng 7/5, Hội nghị Trung ương 7 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, Hội nghị lần này sẽ xem xét các đề án: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; "cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" và "cải cách chính sách bảo hiểm xã hội".

Để không còn nạn chạy chức, chạy quyền

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TTXVN.

1. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (ngày 7/5), khi nói về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém", Tổng Bí thư cho rằng, nhiều nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ; kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp, đạt được những kết quả quan trọng.

Nhờ đó, đội ngũ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém.

Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi.

Cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Ngay sau khi Tổng Bí thư phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương đã bày tỏ: Hội nghị TƯ lần này có 3 chủ đề rất quan trọng và liên quan đến nhau.

Tôi kỳ vọng hội nghị sẽ thông qua được đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược và tham mưu chiến lược và những đề án khác nữa.

Quan trọng nhất là yếu tố con người, mà trong tổ chức con người thì quan trọng nhất là cán bộ, là người đứng đầu.

TƯ cần bàn rất kỹ để những đề án đó là một công trình khoa học, công trình tổng kết thực tiễn, có đột phá trong các quy định để sau đó ứng dụng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.

“Tôi vẫn có niềm tin, bây giờ không thể bi quan được. Khi đi vào chấn chỉnh nội bộ, giải quyết tiêu cực trong nội bộ thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, nên mọi người phải sáng suốt, phải nhìn nhận các sự kiện, các sự việc một cách khoa học để xử lý đúng sai phạm, không bỏ lọt sai phạm và xử lý đúng mức độ.”, ông nói.

Còn, trả lời Đại Đoàn kết, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: Tôi thấy Trung ương lần này bàn về vấn đề này rất hợp lẽ. Sau 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thế giới có nhiều đổi thay. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam cũng bước từ giai đoạn đổi mới toàn diện sang giai đoạn đổi mới toàn diện và đồng bộ. Nghĩa là nhiệm vụ đặt ra cho quốc gia, dân tộc rất nhiều điều mới mẻ mà công cuộc đổi mới phải giải quyết.

2. “Đề án đã đưa ra một hệ thống quan điểm bài bản, toàn diện nhất trong mấy chục năm qua về công tác cán bộ. Dưới góc độ một người nghiên cứu tôi thấy ở những bước ngoặt như vừa qua, các vấn đề về công tác cán bộ bộc lộ rõ nhiều chuyện, không chỉ là vấn đề chất lượng cán bộ mà còn là cơ cấu, không chỉ là số lượng mà còn là vấn đề con đường để đi tới những con số đó, con đường để trở thành cán bộ cấp chiến lược.”, ông Nhị Lê nói.

Ở góc độ khác, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, trong công tác cán bộ, chú ý đến cấp chiến lược là đúng nhưng phải đồng thời quan tâm cả cán bộ cấp sơ sở vì đó là cấp gần dân, mọi việc đều qua tay họ hết, từ thuế má đến quản lý hộ khẩu, hộ tịch, an ninh trật tự…

Cán bộ cơ sở mà không vững vàng, không hăng hái thì trên có đề ra bao nhiêu việc thì cũng trôi đi hết.

Sau nữa, “Tôi cho rằng, cấp chiến lược chỉ nên khuôn ở nhóm cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chủ tịch – Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng/Phó các ban đảng ở TƯ, Chủ tịch các cơ quan đoàn thể Trung ương. Đó là những người trực tiếp “đụng” đến vấn đề đường lối chính sách.”, ông Lê Quang Thưởng nêu quan điểm.

3. Tại sao Đảng luôn phải bàn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược? Là bởi, Đảng biết, đất nước muốn phát triển, dân tộc muốn trường tồn cần nhất là những người lĩnh ấn tiên phong.

Những người lĩnh ấn tiên phong ấy, theo nhà báo Nhị Lê “trước hết phải là người nằm trong đội ngũ rường cột của quốc gia, là tinh hoa của tinh hoa, nói một cách hình ảnh, đó là người gác đền - ngôi đền thiêng của Đảng, của đất nước”.

Ông cũng giãi bày thêm về các tiêu chí đối với cán bộ cấp chiến lược: Phải có tầm nhìn chiến lược quốc gia, phải có quyết sách mang tầm chiến lược, có định chế tư tưởng mang tầm vĩ mô.

Đó cũng đồng thời phải là người lĩnh ấn tiên phong để “ra trận” trong mọi lĩnh vực của kinh tế- xã hội. Là người đứng đầu các cơ quan hoạch định chiến lược quốc gia…”, ông Nhị Lê nói.

Phát biểu tại phiên khai mạc Trung ương 7 hồi đầu tuần, Tổng Bí thư đã gợi mở hàng loạt vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Chẳng hạn như việc, cần trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào? Và đề nghị Trung ương, “Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào?

Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu"..., Tổng Bí thư nói.

4. Rõ ràng, trong công cuộc xây dựng Đảng thì, xây dựng đội ngũ cán bộ trong đó có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được Đảng ta coi trọng cùng với việc đấu tranh chống các biểu hiện thoái hóa, biến chất trong đội ngũ đảng viên.

Thời nào thì cũng có những cán bộ tích cực, cán bộ bình thường và cán bộ yếu kém, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương phân tích.

“Thời nay khác xưa ở chỗ, cơ chế thị trường hiện đang tác động sâu sắc vào đời sống, nó làm hoạt động kinh tế xã hội sôi động lên, cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhưng nó cũng sử đụng đồng tiền chi phối mọi hoạt động. Mua chức bằng tiền, mua ghế cũng bằng tiền…, ông Lê Quang Thưởng khẳng định. Như thế có nghĩa là phải chống tiêu cực trong công tác cán bộ.

“Chống tiêu cực thì phải đau đớn rồi. Chúng ta chữa bệnh, thậm chí bệnh nan y, mà lại là tự chữa, chứ không ai cứu được, thì trước tiên phải bắt bệnh cho đúng.

Những năm qua, Đảng ta đã nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan, trung thực những tồn tại trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng rồi, trong trách nhiệm lãnh đạo đất nước rồi.

Đảng cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm, sai lầm của các tổ chức và cá nhân và đã xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm, vùng tránh, không có hạ cánh an toàn...

Tất cả những thứ mà trước đến nay như một khẩu hiệu thì tôi kỳ vọng tới đây phải hiện thực hóa và làm đến cùng để xã hội trong sạch, để đi lên, để phát triển”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói.

Nhưng sợ đau đớn thì sẽ không thể chống được tiêu cực; không thể xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm thời đại. Mà như thế thì không thể xây dựng Đảng thành công.

Mai Loan