Kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2018): Có đoàn kết dân tộc mới đủ sức vượt lên
Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh được thành lập ngày 19-5-1941 là một hình thức mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay). Sức mạnh của Việt Minh là sức mạnh của tinh thần đoàn kết mẫu mực “muôn người như một”.
Kế thừa truyền thống vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam mà Việt Minh là một trong những chặng đường chói lọi, như Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn đã từng nói, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc phải được phát huy trong giai đoạn mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UB TƯMTTQ VN Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên các gia đình dân tộc thiểu số bị thiên tai lũ lụt tại xã Bum Tở.
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trong suốt chặng đường vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, thời kỳ Mặt trận Việt minh (1941 - 1951) là một bước ngoặt lịch sử.
Tháng 11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, Đảng chịu tổn thất hết sức nặng nề, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và một số lãnh đạo chủ chốt bị bắt và bị kết án tử hình.
Xứ uỷ Nam kỳ và thành uỷ Sài Gòn đều bị bắt, cả Nam Bộ các tỉnh uỷ đều bị xoá sổ, chỉ còn một số chi bộ. Trong tình hình cực kỳ khó khăn, Bác Hồ về nước đầu tháng 2/1941.
Nắm được tình hình, Bác triệu tập hội nghị Trung ương lần thứ 8 để thành lập Mặt trận Việt Minh.
Chủ trương của Bác là mọi người Việt Nam yêu nước, dù là giàu hay nghèo, khác nhau về giai cấp, tôn giáo, dân tộc, chính kiến đều có thể tham gia Mặt trận Việt Minh. Cơ sở quan trọng nhất để tạo nên sự thống nhất của Việt Minh là chủ nghĩa yêu nước.
Lần đầu tiên có một Mặt trận theo đúng truyền thống đoàn kết muôn người như một, không bỏ sót ai và khi không phân biệt giai cấp, tầng lớp này chống giai cấp tầng lớp kia, trong lòng dân tộc không có hận thù, chỉ có quy tụ không có loại trừ, tất cả đều là ta thì sức mạnh toàn dân tộc được nhân lên gấp bội.
Bài học về đoàn kết như thời Việt Minh, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhìn vào ngày nay rất sáng tỏ. Thậm chí tháng 11/1945 để bảo đảm đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương còn rút vào bí mật, tuyên bố tự giải tán chỉ để công khai một Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
“Rõ ràng khi đặt lợi ích dân tộc lên cao thì chúng ta tìm được sức mạnh. Vấn đề cơ bản là phải tìm được tiếng nói đồng thuận với nhân dân.” – ông Quốc nói.
Cho nên bài học rút ra là tạo ra mục tiêu đại đoàn kết nhưng phải có môi trường dân chủ thì mới phát huy được tất cả lòng yêu nước của người dân phục vụ cho mục tiêu đúng đắn. Mỗi người đều phải biết hy sinh cái riêng của mình vì lợi ích chung.
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào bí mật tuyên bố tự giải tán – một Đảng được hình thành trong môi trường rất là khắc nghiệt, bao nhiêu người hy sinh mới xác lập được vị trí ấy - thế mà sẵn sàng tuyên bố tự giải tán (cho dù chỉ là hình thức) để hợp lòng dân, là để tìm một sự đoàn kết rộng lớn hơn.
Bài học về đại đoàn kết dân tộc, là bài học về hy sinh lợi ích vì sự nghiệp chung. Theo ông Quốc, hồi đó rất nhiều Bộ trưởng là Việt Minh sẵn sàng từ bỏ vị trí của mình để giao cho những nhân vật khác, để mở rộng khối đại đoàn kết trong Chính phủ.
“Ngay kể cả đối với một số đảng phái đối lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng sách lược là mời vào tham gia Quốc hội để dùng thực tiễn và sức mạnh của toàn dân trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển cách mạng, loại trừ những phần tử cơ hội, thu hút những người mà còn có thể có sự dao động. Tôi cho đấy là bài học rất lớn để tìm cách thuyết phục người dân vì lợi ích quốc gia và hy sinh cả chính quyền lợi của tổ chức”, ông Quốc nói.
Từ sức mạnh muôn người như một của mốc son chói lọi Mặt trận Việt Minh, nhân dân đứng lên giành độc lập dân tộc và thành lập Nhà nước đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra căn cốt, bản chất để tạo nên bản lĩnh, thành cội nguồn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: Kết thành một làn sóng. Với Hồ Chủ tịch, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước đồng nghĩa với đại đoàn kết dân tộc.
Bởi vì, lòng yêu nước chỉ là một biểu hiện tiềm tàng, nó sẽ trở thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách một khi được tổ chức, kết luyện lại thành một làn sóng.
Trong nhận thức dân gian, từ xa xưa đã đúc kết: "Chúng chí thành thành” hay "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…Và rồi, đến thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh của tinh thần đoàn kết trở thành một chân lý soi đường: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.
Kế thừa bề dày truyền thống lịch sử, một trong những vấn đề lớn đặt ra hôm nay là đổi mới phương thức hoạt động Mặt trận để “MTTQ Việt Nam thực sự là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”.
Còn nhớ, tháng 6/2017, ông Trần Thanh Mẫn khi được hiệp thương cử giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ VN đã đặt ra nhiệm vụ vừa kế thừa, vừa đổi mới, có định hướng lâu dài, tạo cơ chế để công tác Mặt trận ở các cấp hoạt động đạt kết quả cao hơn nữa.
Để “Mặt trận phải là nơi nói lên tiếng nói của nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, cổ vũ sáng kiến, hội tụ trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài… tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng, sức mạnh tổng hợp vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; xứng đáng với vị trí là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.”
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) đã coi việc Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một cấp bách.
Trong thực tế những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới hoạt động, chăm lo xây dựng tổ chức, hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhưng đối với những người làm công tác mặt trận các cấp, vẫn còn nhiều tâm tư trong quá trình thực hiện.
Làm thế nào để hoạt động Mặt trận thực sự thiết thực và hiệu quả vẫn luôn là câu hỏi đặt ra. Làm thế nào để nâng tầm vị thế của Mặt trận?
Muốn vậy, bản thân từng cán bộ Mặt trận, từng cấp Mặt trận phải khẳng định được tiếng nói, vị thế của mình. Con người ấy, tổ chức ấy phải thực sự được tôn trọng và có đủ các điều kiện để hoạt động.
Theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vào thời điểm bây giờ đang quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì chỉ có đoàn kết mới đủ sức vượt lên và đối phó với những phức tạp của tình hình hiện nay.
Cho nên, chỉ có đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới trong tư duy và nhận thức về trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận thì mới đáp ứng được tình hình mới. Đổi mới vì yêu cầu của thời đại, của Đảng, của nhân dân và của chính hệ thống Mặt trận.
Nhân ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, có thể một lần nữa khẳng định đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trải qua từng chặng đường lịch sử khác nhau, với tên gọi khác nhau nhưng đều là những đóng góp quan trọng cùng dân tộc, cùng đất nước.
Lịch sử đã thừa nhận, thực tế xã hội đã thừa nhận, với một niềm tin tiếng nói và chỗ đứng của Mặt trận trong hệ thống chính trị ngày càng rõ nét hơn bằng những hoạt động thiết thực.
Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong cả nước hôm nay vẫn đang tiếp tục tự đổi mới, nâng cao trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới.
Mặt trận phải là nơi nói lên tiếng nói của nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, cổ vũ sáng kiến, hội tụ trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài… tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng…” (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn) |