Vụ Grab mua lại Uber: Có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngày 16/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm.
"Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.
Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.