Tìm chất keo gắn kết tác giả sân khấu với nhà hát
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mối quan hệ giữa tác giả sân khấu với các nhà hát”.
Theo nhiều ý kiến của các đại biểu dự hội thảo thì nhiều năm qua, trong cơ chế bao cấp, ở Thủ đô chỉ một mối quan hệ duy nhất là tác giả với nhà quản lý. Nên dẫn đến một thực trạng các giả và các nhà hát khá lúng túng trong sáng tạo của mình.
Nhiều tác giả được nhà hát nào đó dàn dựng đều cảm thấy chỉ là sự ngẫu nhiên, may mắn. PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, chẳng ai bảo ai nhưng đều có chung một tinh thần đón lõng những sự kiện chính trị để hăm hở viết các đề tài định kỳ như chiến tranh cách mạng, danh nhân văn hóa, anh hùng lịch sử có liên quan đến Thăng Long, Hà Nội. Khi đó, kịch bản tràn lan, bỗng tác phẩm được lọt vào “mắt xanh” của nhà quản lý, thì quả thật là may mắn, đâu phải “thiên tài” hơn đồng nghiệp.
“Tất nhiên, mối quan hệ giữa tác giả và nhà quản lý luôn cần thiết và có những giá trị riêng trong nền sân khấu Thủ đô. Nhưng, nếu chỉ có mối quan hệ đó thôi thì nghệ thuật sân khấu Hà Nội sẽ bị phiến diện, kém phong phú, đa dạng”- ông Trắc nói.
Còn theo NSND Bùi Thanh Trầm- chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội thì mối quan hệ giữa tác giả với các nhà hát có thể hiểu theo nhiều chiều, phong cách của nhà hát đó có phù hợp với tác giả hay không, hay những vấn đề mà tác giả nêu ra trong kịch bản có phù hợp với nhà hát hay không...
Mấy năm gần đây, thường những nhà hát đặt hàng tác giả viết về danh nhân, nhân vật lịch sử của địa phương, vấn đề này có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên cũng gây ra không ít khó khăn cho các tác giả và nhiều lúc cũng phải đề cập đến tính thông tin, chất lượng nghệ thuật của kịch bản không nhận được sự hoan nghênh của khán giả và đồng nghiệp.
Có thể thấy, sân khấu Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để gần gũi và thân thiện với khán giả hôm nay. Mà muốn thế, thì một trong những điều phải làm là sự kết nối thực sự giữa tác giả kịch bản với nhà quản lý các nhà hát.