Thành tựu nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số
Trong số tác phẩm lý luận phê bình lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thái Nguyên 5 năm (giai đoạn 2012-2017) có 5 tác phẩm thì 4 là của tác giả (hoặc nhóm tác giả) đã và đang công tác tại Trường Đại học Thái Nguyên.
Một tác phẩm lý luận phê bình lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thái Nguyên 5 năm (giai đoạn 2012 – 2017).
4 tác phẩm của các tác giả công tác tại Đại học Thái Nguyên gồm: “Lý luận, phê bình văn học - Đổi mới và sáng tạo” (Tiểu luận và phê bình của TS Cao Hồng - NXB Hội Nhà văn – 2013), “Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số” (của PGS TS Trần Thị Việt Trung – NXB Đại học Thái Nguyên – 2016), “Văn học địa phương miền núi phía Bắc” (chủ biên: PGS TS Nguyễn Đức Hạnh - NXB Đại học Thái Nguyên – 2016), “Thơ ca dân tộc H’Mông - Từ truyền thống tới hiện đại” (của TS Nguyễn Kiến Thọ - NXB Đại học Thái Nguyên - 2014).
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Đại học Thái Nguyên là đại học vùng của miền núi và trung du phía Bắc (cả nước có 2 đại học quốc gia là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và 3 Đại học vùng là: Đại học Thái Nguyên Đại học Đà Nẵng và Đại học Cần Thơ).
Đại học Thái Nguyên có 7 trường đại học thành viên – là một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lớn của cả nước (TP Thái Nguyên còn tập trung 30 trường Trung cấp và Cao đẳng).
Trong 4 tác phẩm kể trên thì có 3 tác phẩm tập trung nghiên cứu và phê bình văn học dân tộc thiểu số (“Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số” cả Trần Thị Việt Trung, “Văn học địa phương miền núi phía Bắc”- Chủ biên Nguyễn Đức Hạnh), “Thơ ca dân tộc H’Mông – Từ truyền thống tới hiện đại” của Nguyễn Kiến Thọ).
Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội cho biết: Trong số các trường ĐHQG và Đại học vùng của cả nước, chỉ có Đại học Thái Nguyên là nghiên cứu toàn diện và căn cơ về văn học dân tộc thiểu số.
Do vậy, tuy chỉ là giải thưởng văn học – nghệ thuật 5 năm của Thái Nguyên, cũng có thể coi những tác phẩm này là thành tựu nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số của cả nước.
Các tác giả đều có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm tại một trường đại học lớn, do vậy tác phẩm của họ phong phú về tư liệu và bao quát được tình hình văn học dân tộc thiểu số (cả sáng tác và lý luận phê bình) của cả nước (chủ yếu là từ 1945 cho đến nay).
Trần Thị Việt Trung là một trong số không nhiều tác giả đề cập đến văn học dân tộc thiểu số của cả nước (miền Bắc, miền Trung, miền Nam), nhưng phần tác giả và tác phẩm về miền Trung, miền Nam còn chưa đầy đủ.
Trần Thị Việt Trung cũng là tác giả đầu tiên, trong phần khái quát “Nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại” chỉ đề cập đến các tác giả dân tộc thiểu số (cả sáng tác và nghiên cứu, phê bình).
Chúng tôi đánh giá đây là một đóng góp của tác giả (trong khi nhiều người khác thường xếp các tác phẩm của các tác giả người Kinh như Tô Hoài, Mạc Phi… Khi sáng tác về đề tài miền núi, cũng “nghiễm nhiên” là tác phẩm của miền núi).
Nhưng khi viết về các tác giả, tác phẩm cụ thể, đôi chỗ Trần Thị Việt Trung lại vi phạm nguyên tắc này (như khi viết về Hồ Thủy Giang, Hà Đức Toàn, phong trào sáng tác của Thái Nguyên…).
Tuy không có nhiều phát hiện mới, nhưng Trần Thị Việt Trung đã rất công phu khi đi sâu nghiên cứu về các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số, như: Nông Quốc Chấn, Mã A Lềnh, Mai Liễu, Hà Thị Cẩm Anh, Lò Ngân Sủn…
Cuốn “Văn học địa phương miền núi phía Bắc” do Nguyễn Đức Hạnh chủ biên, dày hơn 700 trang. Công trình tập trung nghiên cứu giới thiệu văn học địa phương 6 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.
Phạm vi khảo sát và nghiên cứu của các tác giả là 6 tỉnh nằm trong khái niệm vùng văn hóa Việt Bắc (theo sự quan niệm và phân chia của cố GS Trần Quốc Vượng).
Đây là giáo trình văn học địa phương, có nhiều tư liệu quý giá nhưng tính phát hiện còn ít. Nhiều nhận xét, đánh giá còn trùng lặp, do nhiều người viết tập hợp lại, mà người chủ biên lại chưa làm tốt vai trò cầm chịch của mình.
“Thơ ca dân tộc H’Mông - Từ truyền thống tới hiện đại” của Nguyễn Kiến Thọ là một công trình được đánh giá cao. Với các nội dung: “Tổng quan về dân tộc H’Mông”, “Quá trình vận động của thơ ca H’Mông nhìn từ phương diện cấu trúc nghệ thuật”…
Với thái độ làm việc công phu, nghiêm túc, tác giả đã làm nổi bật những đặc trưng cơ bản của thơ ca dân tộc Mông – phần thành công nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc này, từ truyền thống tới hiện đại.
Tác giả đã gặp may, hay nói cho đúng hơn là đã chọn đúng đối tượng nghiên cứu khi chọn thơ ca dân tộc Mông, mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng đánh giá nếu xếp vào tuyển tập thơ hay của thế giới thì cũng khiến cho không ít người phải kinh ngạc.
Tác giả cũng sử dụng khá nhuần nhuyễn lý luận trong việc chứng minh những hiện tượng cụ thể trong sáng tác của các tác giả người Mông hiện đại.
Nguyễn Kiến Thọ luôn luôn đi đến cùng trong lập luận và lý giải của mình, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề cần chuyền tải. Kiến giải của anh không phải lúc nào cũng thuyết phục, nhưng đây là phẩm chất cần có của một người nghiên cứu.
Trong buổi làm việc với Ban Giám khảo Giải thưởng văn học – nghệ thuật Thái Nguyên 5 năm (phần văn học) đại diện lãnh đạo Hội Văn học – Nghệ thuật Thái Nguyên cho biết, còn không ít những tác phẩm lý luận phê bình có giá trị mà tác giả không gửi tham dự giải. Đây là điều đáng tiếc cho việc xét giải 5 năm của Hội Văn học – Nghệ thuật Thái Nguyên, nhưng lại là điều đáng mừng đối với công việc nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số nói chung.
Bởi chỉ với những tác giả, tác phẩm chưa đầy đủ, người đọc đã thấy sự vạm vỡ của một đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy văn học dân tộc thiểu số của Đại học Thái Nguyên.
Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, lại tọa lạc ở vùng tụ cư các dân tộc thiểu số chủ yếu của cả nước (vùng Văn hóa Việt Bắc và vùng văn hóa Tây Bắc), do vậy thành tựu nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam của Đại học Thái Nguyên cũng là thành tựu của cả nước trong lĩnh vực này.
Chỉ mong những thành tựu này, không chỉ lưu hành ở địa phương trong giới đại học, mà được phổ biến tới đông đảo bạn đọc trung cả nước.