Một điểm sáng nông thôn mới

Hải Nhi 20/05/2018 21:00

Người dân thôn Phú Hậu Thượng, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, luôn tự hào về nơi mình sống với đường giao thông đi lại thuận tiện, sạch sẽ, nhà cửa khang trang, đời sống người dân đổi thay từng ngày... Có được điều đó không thể không kể đến vai trò của những người làm công tác Mặt trận.

Một điểm sáng nông thôn mới

Đường giao thông thôn Phú Hậu Thượng.

Đến đây, có thể cảm nhận được ngọn gió lành nông thôn mới đã góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng đất Sơn Đông nói chung và thôn Phú Hậu Thượng nói riêng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Lê Văn Long cho biết, hiện toàn xã có 2.281 ngôi nhà, trong đó có 1.697 nhà cao tầng, 584 nhà cấp bốn. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2017 đạt 37,34 triệu đồng/người/năm, có thôn đạt 80 triệu đồng/ người/ năm. Tổng số hộ nghèo của xã chỉ còn 91 hộ, chiếm 3,49%.

Trên địa bàn xã có 18 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã mang lại thu nhập khá và có 370 phương tiện tàu vận tải đường thủy. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. 12/12 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn...

Ông Đức nhấn mạnh: Thôn Phú Hậu Thượng - điểm sáng nông thôn mới của xã Sơn Đông có được kết quả như ngày hôm nay là có sự đoàn kết của các cán bộ, Đảng viên và bà con nhân dân. Cán bộ tạo được niềm tin trong nhân dân, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hương ước của địa phương.

Nhưng khi đạt chuẩn nông thôn mới không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải thường xuyên kiểm tra, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững. Đó là quan điểm của Bí thư Chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phú Hậu Thượng - ông Lê Hồng Đức.

Ông Đức cho rằng, với công tác Mặt trận chỉ có thể tạo được lòng tin bằng những việc làm cụ thể. Nhân dân Phú Hậu Thượng sẵn sàng đóng góp của cải vật chất, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Góp tiền để xây nhà văn hóa với mỗi khẩu là 500.000 đồng. Vừa qua mỗi khẩu cũng góp 300.000 đồng để chuẩn bị tu sửa lại nhà truyền thống của thôn. Nhân dân đồng tình ủng hộ, đạt 100%.

Theo ông Đức, lợi thế của thôn Phú Hậu Thượng là các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại địa phương nên Ban công tác Mặt trận cũng có nhiều thuận lợi. Như khi làm nhà văn hóa thôn, Ban tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp ủng hộ cát, sỏi và toàn bộ trang thiết bị từ bàn ghế đến quạt trần, bóng đèn. Đơn vị hoặc cá nhân nào ủng hộ là được khắc tên trên hiện vật. “Đó là một trong những phương pháp tuyên truyền của người làm Mặt trận”, ông Đức chia sẻ.

Sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp bao tiêu, giá cả ổn định. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng dần được khắc phục khi những trang trại chăn nuôi tập trung được xây dựng cách xa khu dân cư, việc thu gom rác thải đã có Hợp tác xã bảo vệ môi trường thực hiện thường xuyên. Cùng với đó người dân còn được chăm sóc sức khỏe theo định kỳ. Trẻ em được học tập trong môi trường khang trang. Thôn có nhà văn hóa, sân vận động để hội họp, gặp gỡ giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Mới đây, xã Sơn Đông được công nhận Đô thị văn minh loại V, và thôn Phú Hậu Thượng được công nhận là phố văn minh. Ông Đức cho biết: Về 19 tiêu chí nông thôn mới chúng tôi đã hoàn thành và bảo dưỡng, tu bổ thường xuyên. Và năm 2016 khi được công nhận là phố văn minh, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của Mặt trận ngày càng nhiều hơn trong việc huy động sức dân, tạo niềm tin trong nhân dân.

Ông Đức cho rằng, làm cán bộ Mặt trận là phải có nhiệt huyết và được nhân dân tin yêu. Điều đó rất quan trọng, trên tinh thần ấy chúng tôi vận động, tuyên truyền tìm sự đồng thuận trong dân, được nhân dân ủng hộ thì việc gì cũng xong.

“Bên cạnh đó khi Ban công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân thì việc phải bám sát thực tế của địa phương là một bí quyết không nhỏ góp phần làm nên sự thành công”, ông Đức nhấn mạnh.

Hải Nhi