Không đứng ngoài phán xét

THV 16/05/2018 09:00

LTS: Trọng xỉ, trọng lão là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Năm 1284, trước thế giặc hùng mạnh đang ngấp nghé ngoài biên ải, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh.

Ngày nay, trong nhiều năm qua các cán bộ lão thành, các nhà lãnh đạo và quản lý các cấp sau khi nghỉ hưu cũng đều vẫn tiếp tục có những đóng góp tích cực cho việc dân việc nước bằng các cách khác nhau. Có những người trực tiếp góp ý kiến với lãnh đạo Đảng và nhà nước, có những ý kiến được nêu trên diễn đàn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lại có những ý kiến thông qua trả lời phỏng vấn báo chí hoặc trực tiếp bày tỏ trên trang cá nhân ở mạng xã hội.

Dù là cách nào thì những ý kiến chí tình, tâm huyết, mang tính xây dựng cũng đều là những ý kiến rất đáng trân trọng.

Điều đáng quý của những người chúng tôi đã gặp trong chuyên đề này là các cán bộ lãnh đạo đã nghỉ quản lý, đã nghỉ hưu luôn đặt mình vào vị trí những người đang chức để thông cảm, thấu hiểu, để thấy trong những gì còn tồn tại, hạn chế hôm nay có cả phần trách nhiệm của mình. Chứ không phải “cậy” mình đã nghỉ, đã đứng ở bên ngoài đến phán xét tùy tiện, chỉ trích những người đương chức theo kiểu “thời của mình” thì khác hoặc mình vô can trong nhiều vấn đề tồn tại của ngày hôm nay.

Không đứng ngoài phán xét

Ông Phạm Thế Duyệt.

Ông Phạm Thế Duyệt: Không phải cứ nghỉ hưu là “phán bừa”

Do đặc thù công việc, chúng tôi đã có nhiều dịp được gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Ông là người đã từng kinh qua nhiều chức vụ, trưởng thành từ thực tiễn và giàu kinh nghiệm lãnh đạo. Nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng việc dân việc nước vẫn là mối quan tâm đặc biệt hàng ngày hàng giờ của ông – người từng giữ trọng trách cao trong Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lần nào, khi bắt đầu câu chuyện ông cũng nói rằng ông không “cậy” nghỉ hưu để phán xét “anh em đương chức”.

Nói về công tác Mặt trận, nguyên Chủ tịch UBTUMTTQ VN Phạm Thế Duyệt luôn trăn trở với một chiêm nghiệm sâu sắc: "Mặt trận phải giúp Đảng đoàn kết nhân dân và giúp dân bảo vệ chế độ một đảng”. Chia sẻ về những “chỗ khó” của Mặt trận, rằng nhiều cán bộ mặt trận ở cơ sở tâm sự đôi khi lực cũng bất tòng tâm, ông Phạm Thế Duyệt nói: “Tôi nói không phải để phán xét anh em. Mặt trận còn có hạn chế thì chính tôi là người có trách nhiệm trong việc đó. Mặt trận mà chưa làm tốt được là có trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi nghĩ phải có 2 vế, không thể chỉ từ phía Mặt trận mà Đảng cũng phải cố gắng tạo điều kiện để Mặt trận được phát huy vai trò của mình là đại diện cho nhân dân.”

Và không ít lần ông đắn đo: “Tôi bây giờ nghỉ hưu hàng chục năm nay rồi nên nói việc gì Mặt trận nên làm thì lại khiến mọi người hiểu nhầm. Nhưng theo tôi việc gì mà nhân dân mong, việc gì mà Đảng thấy cần phải làm thì Mặt trận phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Một trong những việc quan trọng Mặt trận phải góp phần vào là xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tôi lúc nào cũng mong muốn Mặt trận giúp cho Đảng giải quyết được những khó khăn của Đảng, giúp cho dân giải quyết được những mong muốn của nhân dân.

Tôi đi đến đâu gặp anh em làm công tác mặt trận cũng thấy tâm huyết, nhưng các cấp ủy cũng phải tạo thế, tạo cơ chế để Mặt trận hoạt động. Vận động nhân dân đoàn kết, xóa đói giảm nghèo là việc Mặt trận đã làm rất tốt, nhưng nếu còn chưa góp phần vào xây dựng chính quyền mạnh, xây dựng tổ chức Đảng mạnh, chọn và bố trí cán bộ xứng đáng vào các cấp các ngành trong hệ thống chính trị thì Mặt trận chưa làm được hết vai trò và trách nhiệm của mình.”

Còn về công tác cán bộ, khi nói đến việc hàng loạt cán bộ mắc khuyết điểm phải kỷ luật, ông Phạm Thế Duyệt không né tránh trách nhiệm:

Cán bộ không đột nhiên hư hỏng, tham nhũng tiêu cực mà chính là do quá trình tích tụ. Vài nhiệm kỳ để trượt dài, thiếu đấu tranh kiên quyết, thiếu chú ý từ trên cấp cao. Trên đã không làm tốt thì dễ ảnh hưởng đến dưới.

Trung ương mà nghiêm thì các tỉnh, thành chắc sẽ nghiêm, các tỉnh, thành nghiêm thì quận huyện sẽ nghiêm. Trung ương nghiêm thì các bộ ngành chắc cũng nghiêm.

“Tôi không dám phủ nhận công lao khó nhọc của các đồng chí lãnh đạo trong các nhiệm kỳ vừa qua. Nhưng đứng về góc độ xây dựng chỉnh đốn Đảng tôi vẫn phải nói, chúng ta phải nhìn cho đúng, đánh giá cho chân thực.”

Cho đó có cả phần trách nhiệm của mình, ông Phạm Thế Duyệt không bao giờ đổ lỗi cho “anh em đương chức” mà luôn tự nhận có cả phần khuyết điểm của mình trong đó. “Tôi nói nhiều anh em lại hiểu nhầm là ông Duyệt bây giờ nghỉ hưu thì cứ "phán bừa” đi.

Tôi nói điều gì là tôi cũng nói với tinh thần trách nhiệm của một người trong cuộc, một người tự nhận thấy mình có trách nhiệm trong những công việc này. Lúc còn làm việc tôi cũng có phần khuyết điểm.”

“Dân còn cái gì khó khăn thì chính đó là khuyết điểm của mình. Dân còn có điều gì than thở là mình chưa làm được. Dân còn cảm thấy thiếu công bằng, thiếu dân chủ là lỗi ở mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có phải đâu chỉ tham nhũng mới là khuyết điểm. Làm lãnh đạo thì phải nghĩ đến những điều sâu xa. Những gì còn tồn tại hiện nay khiến nhân dân chưa vui thì chúng tôi có trách nhiệm trước chứ không phải là người ngoài cuộc.” – ông Phạm Thế Duyệt đã không ít lần tự vấn như thế.

Không đứng ngoài phán xét - 1

Ông Vũ Quốc Hùng.

Ông Vũ Quốc Hùng: Luôn tự thấy mình có lỗi

Gặp ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Trưởng bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương - lần nào cũng vẫn một cảm giác, dù tháng năm tuổi tác ngày một nhiều hơn, thì sự nhiệt huyết, bầu máu nóng và tinh thần không khoan nhượng với cái xấu chưa bao giờ vơi cạn trong con người ông. Không phát ngôn nhằm đánh bóng tên tuổi, không khiêm tốn giả vờ, nhiều năm nghỉ hưu ông Vũ Quốc Hùng vẫn không thôi tự vấn: Hồi còn đương chức đã không làm hết sức mình và vẫn tự thấy có lỗi với dân, với nước.

Cho rằng so với hồi đương chức, khi nghỉ hưu ông không còn có điều kiện tiếp cận trực tiếp với văn bản hay nguồn thông tin gốc nhưng ông vẫn quan tâm đến mọi vấn đề của đất nước qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt với cương vị ông từng đảm trách, thông tin cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật, các đại án tham nhũng luôn làm ông chú ý hơn cả. Từng trực tiếp xử lý nhiều vụ việc trước đây, bây giờ mỗi lần nghe thông tin về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đối với ông Vũ Quốc Hùng “tôi không ngạc nhiên vì Trung ương đã cảnh báo từ lâu về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Nhưng tôi luôn đau xót. Tâm trạng mỗi lần của tôi là rất đau buồn.”

Luôn bày tỏ thái độ kiên quyết với tham nhũng, tiêu cực, ông Vũ Quốc Hùng từ thực tế của một người trực tiếp tham gia vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, cũng đồng thời khiến dư luận nhân dân có niềm tin vào công lý.

“Tôi luôn thấy sự quyết tâm của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đều phát biểu với sự quyết tâm rất cao trong chuyện chống tham nhũng. Từ trước đến nay có nhiều vụ việc cũng gọi là tày đình, liên quan đến các cán bộ cao cấp, thấy rằng quan điểm của Đảng rất rõ ràng. Tức là không phải chỉ hô khẩu hiệu mà là thực hiện "không có vùng cấm trong Đảng”. Lúc còn làm ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi được chứng kiến, được thực hiện, được tham mưu và được chấp hành việc chỉ đạo của Trung ương là phải làm đến nơi đến chốn, không có vùng cấm trong Đảng là có thật, là thực hiện thật.”

Ông Vũ Quốc Hùng khẳng định: “Và tôi vẫn tin rằng, không chỉ thời tôi đang đương chức mà đến bây giờ Đảng ta vẫn nhất quán quan điểm "không có vùng cấm trong Đảng”. Đảng cũng luôn nhấn mạnh là phải thượng tôn pháp luật. Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, Đảng phải chấp hành pháp luật. Cho nên những vụ việc trước đây tôi được chứng kiến, được tham gia thì tôi thấy rõ ràng như thế, không bỏ qua một cán bộ cao cấp nào nếu có dính líu đến vấn đề tiêu cực.”

Nghỉ công tác kiểm tra của Đảng nhiều năm, bây giờ nhìn lại thời còn đương chức, ông Vũ Quốc Hùng cho biết điều khiến ông trăn trở nhất mỗi lần giải quyết, xử lý các vụ việc là “chống tham nhũng không có nghĩa là chờ đồng chí mình phạm tội rồi đem ra kỉ luật mà phải chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Người đứng đầu các cơ quan trước hết phải làm gương đã, rồi sau đó là đôn đốc, nhắc nhở, nếu đã có sai sót phải kiểm điểm, chỉ ra vi phạm.”

Có lẽ, trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Vũ Quốc Hùng, ấn tượng nhất là lần ông rút ruột mình để nói vào một buổi chiều muộn trong căn phòng ở phố Thụy Khuê: “3 khóa liền là Ủy viên Trung ương Đảng, 20 năm làm cán bộ kiểm tra, sự đóng góp của tôi chưa xứng đáng với những gì Đảng và nhân dân đã tin cậy giao cho tôi. Nhưng phần tôi còn cảm thấy có lỗi với nhân dân là khi làm việc chưa phát hiện hết các vụ việc tham nhũng, chưa có nhiều sáng kiến đề xuất để chống tham nhũng có hiệu quả. Chứ tất cả những vụ việc chúng tôi đã phát hiện được, chúng tôi chưa nể nang một vụ nào. Điều khiến tôi luôn băn khoăn, mất ngủ khi xử lý một vụ việc là có xử oan sai cho đồng chí mình không chứ nếu đúng là sai phạm thì chúng tôi không né tránh. Chúng tôi làm việc theo nguyên tắc mọi cán bộ đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng, không loại trừ một ai, không có vùng cấm trong Đảng, nhưng phải thận trọng để không làm oan sai cho đồng chí.”

Lúc còn làm ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi được chứng kiến, được thực hiện, được tham mưu và được chấp hành việc chỉ đạo của Trung ương là phải làm đến nơi đến chốn, không có vùng cấm trong Đảng là có thật, là thực hiện thật.”

Ông Vũ Quốc Hùng

Không đứng ngoài phán xét - 2

Ông Phạm Quang Long.

PGS TS Phạm Quang Long: Ai nói vì việc chung, ai nói để đánh bóng mình, người ta biết cả

PGS TS Phạm Quang Long từng nguyên là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hà Nội. Ông đã nghỉ quản lý và hiện giờ tiếp tục tham gia giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

PV:Thưa ông, xã hội truyền thống Việt Nam vốn đã mang tinh thần trọng lão. Trước thời điểm cực kỳ quan trọng của đất nước, nhà Trần cũng đã mở hội nghị xin ý kiến bô lão trước. Ngày nay, có thể thấy nhiều cán bộ các cấp sau khi nghỉ quản lý, hoặc nghỉ hưu đều vẫn còn có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp chung. Thể hiện bằng những ý kiến tham vấn, phản biện cho các vấn đề quốc kế dân sinh. Ông có chung suy nghĩ như vậy không ạ?

PGS TS Phạm Quang Long: Vâng, trọng xỉ là một nét văn hóa truyền thống của người Việt, nhưng không chỉ của người Việt đâu. Trọng người cao tuổi không phải chỉ vì trọng cái tuổi già của người đó mà là trọng tư cách, đạo đức, tri thức, uy tín…của người đó.

Nhưng nếu người già hơn mà hiểu biết lại kém hơn, ý chí tồi hơn thì người ta cũng chẳng hỏi đến vì chả được việc gì.

Ngày nay nhiều cán bộ đã nghỉ hưu nhưng vẫn nặng lòng với những vấn đề của đất nước, vẫn có những ý kiến đóng góp tất thiết thực, rất tâm huyết. Tôi rất trân trọng những ý kiến ấy vì đó không chỉ là những ý kiến cụ thể mà nó nói lên một thái độ sống, một khía cạnh của nhân cách. Có người không thích điều đó, có ý chê bai “ngày còn đi làm sao không nói? Giờ nghỉ hưu rồi mới nói, để làm gi?”.

Tôi không nghĩ như vậy. Có người trước đây khi còn tại chức cũng nói, giờ cũng tiếp tục nói. Có thể điều đó trước kia chưa làm được vì chưa có điều kiện hoặc như người ta nói, nhận thức là một quá trình, giờ mới hiểu ra thì góp ý thôi và như thế cũng đáng quý. Vấn đề là ở thái độ nói ra điều đó thế nào?

Có xây dựng hay không thôi, có ích gì cho công việc không thôi. Người ta biết cả đấy, ai nói vì công việc, ai nói vì để đánh bóng mình. Sự khác nhau vẫn là ở cái ta gọi là minh triết đấy.

Ngày nay, có rất nhiều kênh để mọi người có thể thể hiện ý kiến của mình, không cần phải chờ đến hội nghị Diên Hồng. Trong đó, cách dễ nhất là viết ý kiến trên trang cá nhân. Trong không ít lần, chính sách đã được điều chỉnh nhờ tiếp thu ý kiến nhân dân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo ông, vẫn cần phải có phương pháp như nào để Đảng, Nhà nước có thể tập hợp, lắng nghe được những tiếng nói tâm huyết hơn nữa?

- Có người muốn nghe thực sự để thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt lên thì sẽ có những ý kiến tâm huyết, thực sự có ích tìm đến với họ từ mọi tầng lớp xã hội.

Nhưng, như người ta đã tổng kết “trung ngôn, nghịch nhĩ”, lời nói thẳng đúng nhất vẫn khó nghe hơn lời nịnh bợ tệ nhất, những phê phán uốn éo, phê nhưng để tâng bốc, nịnh nọt. Cái khó là ở chỗ đó.

Đó là tâm lý người đời, vượt qua được những cái tầm thường nhưng lại rất ghê gớm ấy chỉ có những vĩ nhân, những người dám nghe, biết nghe và biết phục thiện, những người có bản lĩnh vượt lên trên những điều tầm thường và mang tư tưởng phụng sự xã hội. Biết nghe và muốn nghe sẽ nghĩ ra cách để nghe được điều cần nghe nhất.

Cổ nhân dạy nếu người cầm quyền biết nghe chuyện của dân, nước bằng cái tai của cả thiên hạ thì sẽ nghe được nhiều điều cần nghe nhất, nếu biết nhìn mọi việc bằng con mắt của cả thiên hạ thì sẽ sáng tỏ nhiều điều nhất và nghĩ đến công việc của thiên hạ bằng tấm lòng của mọi người thì chuyện gì cũng có thể thông, điều gì cũng giải quyết được. Và đó mới là hồng phúc của một đất nước, một dân tộc, một thời đại.

Thưa ông, có những cán bộ lão thành trong khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, đã luôn nói rằng ông đặt mình với tư cách người trong cuộc, chứ không phải đứng ngoài phán xét, thì luôn thấy trong những tồn tại yếu kém, có lỗi của chính mình khi mà lúc còn đang chức, đã chưa làm được tốt chứ không đổ lỗi hoàn toàn do người đương chức để mặc nhiên như người đứng ngoài, vô tư phán xét?

- Tôi nghĩ những người nghĩ như vậy là những người tốt và cũng không hiếm đâu. Họ nhận thấy điều này không phải vì bây giờ, đứng ra ngoài hệ thống rồi mới nói đến những điều nào đó không phải để ve vuốt thiên hạ mà họ nói như thế từ lương tâm họ, từ lòng tự trọng họ có. Không ai nói về những sai sót yếu kém của mình với một thái độ vui vẻ được cả.

Vì sao ư? Vì họ thấy họ có lỗi, trong lương tâm họ có ân hận vì mình đã yếu kém, gây ra những điều không đáng có. Tôi cũng thấy trong nhiều phê phán của không ít cán bộ hưu trí về những yếu kém của xã hội bây giờ gây cảm giác họ vô can.

Họ không kém thế, không là nguyên nhân của những yếu kém ấy, họ tài giỏi nhưng không được sử dụng nên mới có tình trạng như hiện nay v.v… và v.v…

Tôi không nghĩ thế. Tất cả những yếu kém của một ngành nào đó, một lĩnh vực nào đó có nguyên nhân do những người thuộc ngành ấy, lĩnh vực ấy gây nên và cả những nguyên nhân mang tầm vĩ mô, vượt ra ngoài ngành ấy, lĩnh vực ấy nhưng phải nhận thấy có trách nhiệm của ngành mình, trong đó có mình là chính.

Ví như tôi làm ở ngành giáo dục mấy chục năm, những yếu kém của ngành trong chất lượng đào tạo có phần trách nhiệm của tôi vì trong mấy chục năm trong nghề, tôi là một giáo viên, tôi là người quản lý, tôi đã góp phần tạo ra những sản phẩm không đạt như mong muốn của xã hội.

Đây không phải là nhận lỗi để làm sang đâu, đó là một day dứt có thật. Tôi cũng thấy mình kém cỏi là thấy mình bất tài, bất lực đã “bỏ của chạy lấy người” để tìm yên ổn cho cá nhân.

Đặt người vào trong cuộc khi đã rời khỏi hệ thống để làm việc, suy nghĩ như người trong cuộc không phải ai cũng làm được. Vậy nên ai có công sức thì tham gia vào với tâm thế trách nhiệm như người trong cuộc đều đáng trọng cả.

Từng ngồi ở “ghế nóng” của ngành văn hoá Thủ đô, từng giữ trọng trách ở những trường đại học lớn, bây giờ khi đã có điều kiện đứng “ra bên ngoài”, ông nhớ gì về những ngày “đương chức”?

- Hồi còn đi làm cũng có những lúc việc đến nhưng mình cũng chưa chuẩn bị được gì để gánh các trách nhiệm ấy đâu. Ai không biết chứ tôi vốn chỉ là một anh giáo, có được đi học làm lãnh đạo bao giờ, chả qua trường lớp nào cả.

Mọi chuẩn bị đều chưa có, kể cả tâm thế nhưng rồi việc đến, cứ vừa làm vừa học.

Nói ra không ai tin nhưng trong tôi chưa bao giờ tôi phấn đấu để ngồi vào vị trí nào đó, chạy chọt các quan hệ để có một cái chức nào đó.

Giao thì tôi làm, làm được đến đâu, hỏng đến đâu thì mọi người đánh giá nhưng tôi không có tà tâm. Bây giờ đứng ngoài cuộc rồi tôi mới thấy mình cũng thuộc loại liều. Cứ thấy giao việc là làm, chả kén cá chọn canh, chả tính lợi hại gì.

Nếu cuộc sống trở lại như trước đây chắc tôi sẽ có những ứng xử khác. Ví như sẽ mềm mại hơn ở chỗ này, quyết liệt hơn ở chỗ kia, sẽ tổ chức theo cách này chứ không phải như cách đã diễn ra… những đường hướng không khác vì tôi thấy nó không sai, không gây hại.

- Xin cảm ơn ông!

THV