Trẻ em trong môi trường mạng: Nhiều bậc cha mẹ vô tình tiếp tay cho kẻ xấu

Lê Bảo 23/05/2018 09:00

Đó là nhấn mạnh của nhiều đại biểu tại hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1/2017, cả nước có 50,05 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số).

Trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.

Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số.

Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).

“Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin mà chưa dạy về việc sử dụng mạng xã hội an toàn. Từ phía cha mẹ, người giám hộ, do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng, nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ trên môi trường mạng. Trong nhiều trường hợp, sự “vô tư” của cha mẹ lại đang “tiếp tay” cho kẻ xấu tiếp cận, có cơ hội xâm hại trẻ”- ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.

Cũng theo ông Nam, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ đem lại nhiều mặt tích cực, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, tác động xấu đến trẻ em.

Tại đây, các em có thể tiếp xúc với những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của như: bạo lực, tình dục... Nhiều trẻ bị “nghiện” game online, nghiện smartphone...

Đáng lo hơn, trên môi trường mạng, trẻ có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, bôi xấu, bắt nạt, bị lợi dụng, xâm hại...

Làm thế nào để bảo vệ trẻ em? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Phương Linh- viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, với tâm lý tò mò, muốn khám phá của trẻ thì việc truyền thông ngăn chặn, ngăn cấm trẻ chơi trò chơi nguy hiểm không phải là giải pháp hiệu quả, bởi đôi khi còn có tác dụng ngược lại, kích thích trẻ tìm hiểu nhiều hơn.

“Để có thể ngăn chặn cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, tại Brazin, khi trò chơi “Thách thức cá voi xanh” xâm nhập thì các cơ quan chức năng sáng tạo ra ngay một trò chơi “Thách thức cá voi hồng”, với các thử thách đi ngược lại với cá voi xanh chẳng hạn như hằng ngày làm được việc tử tế, nói lời yêu thương…”- bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh các bậc cha mẹ cần phải hướng dẫn các em tự tư duy và làm chủ cuộc sống của mình mà không bị lôi kéo bởi đám đông.

Trong đó cần có “hợp đồng gia đình” về an toàn mạng cho các con, chẳng hạn như đặt ra những quy tắc như thời gian vào mạng, không được gửi ảnh cá nhân, hay gia đình, gặp gỡ bạn bè trên mạng mà chưa được sự đồng ý, xem xét của bố mẹ, xin phép được tải hay các phần mềm làm ảnh hưởng đến máy tính…

Và cả cha mẹ, con cái cùng ký tên vào để đảm bảo hợp đồng được thực hiện

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, không có biện pháp nào tốt hơn là giáo dục trẻ em có kiến thức hiểu biết nhất định về những nguy hiểm, những rủi ro có thể gây nguy hiểm cho các em.

Với các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn các trò chơi nguy hiểm như Thử thách cá voi xanh,

PokemonGo bằng giải pháp công nghệ, nhưng cũng không phải dễ dàng vì đa phần những trò chơi nguy hiểm lại có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Do đó, phải có sự phối hợp với các cơ quan quốc tế để điều tra ngăn chặn.

Lê Bảo