Trạm thu giá - tên gọi gây hiểu nhầm
“Tôi nghĩ tên gọi gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay mà mình sử dụng” - Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định về cách gọi “trạm thu giá”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh: quochoi.vn.
Trao đổi với báo chí tại hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sáng ngày 24/5, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: Vừa qua có nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội về việc đổi tên thu phí sang thu giá tại các trạm BOT. Về bản chất, nếu nói trạm thu giá thì về từ ngữ, từ thu giá chưa từng được sử dụng.
Theo bà Hải, khi sử dụng dịch vụ phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó, tuân theo nguyên tắc thị trường. Nhưng đây có thể gọi là trạm bán vé khi sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp cung cấp. Trạm bán vé, trạm kiểm soát vé. Giống như đi xem phim thì đi mua vé.
“Tôi nghĩ nếu vẫn dùng chữ giá phải dùng đầy đủ: trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp A, B, C cung cấp. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm đông người qua thì lấy thu bù chi thì sẽ giảm giá. Nếu trạm ít người qua lại thì không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá. Tôi nghĩ tên gọi gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay mà mình sử dụng”.
Về giá BOT, Trưởng Ban Dân nguyện thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đợt giám sát về vấn đề này và có những khuyến nghị, khuyến cáo là việc thu tiền của người dân khi sử dụng dịch vụ BOT phải bảo đảm quyền và lợi ích của người dân. Phải có đường dẫn song song khi người dân không sử dụng đường BOT có đường song song đi để không phải chi trả thêm tiền.
Thêm nữa, mức độ doanh nghiệp đầu tư vào con đường đó phải tương đồng với mức độ thu. Vừa qua, người dân bất bình như vấn đề con đường nhà đầu tư vào nằm ở đường nhánh nhưng đặt trạm thu giá ở những con đường chính. “Dù thu phí hay thu giá hay thu tiền cần bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tới đây ta còn phải thu hút đầu tư vào con đường khác, nhà đầu tư, nhà nước và người dân cũng phải có lợi. Cần có cơ chế hài hòa”, đại biểu Hải nói.
Theo bà Hải, việc Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm là rà soát khoảng cách vị trí giữa các trạm, mức thu phí của các trạm, cần thanh tra, kiểm tra đếm số lượt mà các phương tiện giao thông đi qua các trạm BOT bảo đảm số lượt công bố chính xác. Khi xảy ra sự thiếu minh bạch cần phải xử lý quyết liệt.
Trả lời câu hỏi về những động thái của Bộ Giao thông vận tải sau đợt giám sát, bài Hải cho hay: Bộ triển khai kế hoạch giải quyết những vấn đề đặt ra đối với các trạm BOT. Từ khi kiến nghị (tháng 11/2017) đến nay, Bộ vẫn đang tiếp tục giải quyết và sẽ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với thời gian tới.
“Tôi thấy Bộ rất quyết liệt trọng rà soát, xử lý, đánh giá hiệu quả các trạm BOT”, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.