Đại biểu Quốc hội tranh luận ‘nóng’ về khai thác dầu thô
Trong buổi thảo luận sáng nay, một số đại biểu Quốc hội đã tranh luận khá gay gắt về việc tăng trưởng kinh tế năm 2017 đến từ việc khai thác thêm dầu thô chứ không phải từ nội lực của nền sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: Quang Vinh.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và những thành tựu trong phát triển kinh tế một cách ngoạn mục năm 2017, khi tăng trưởng vượt kế hoạch, lần đầu tiên có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) vẫn chỉ ra những “điểm mờ” trong bức tranh tăng trưởng này.
Thứ nhất, đại biểu nêu thực tế, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm hơn 1 triệu tấn thì chúng ta không đạt kế hoạch tăng trưởng. “1 triệu tấn dầu thô đóng góp thêm 0,2% đến 0,3% điểm tăng trưởng, nên nếu không có lượng dầu thô đó, tăng trưởng chỉ đạt 6,4% - 6,6%”, đại biểu này nêu rõ.
Theo đại biểu, rõ ràng tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng nội lực không đạt kỳ vọng và đây là khoảng lặng của tăng trưởng 2017 cần được nhìn nhận.
Đại biểu cũng chỉ ra vấn đề về quy mô kinh tế, khi quy mô GDP 5 triệu tỷ đồng “chỉ gần đạt mục tiêu chúng ta đặt ra năm 2016, chúng ta phấn đấu 2 năm mới gần đạt quy mô GDP kỳ vọng của năm trước”.
Theo đại biểu, quy mô GDP không đạt kỳ vọng thì tích lũy của nền kinh tế, động lực, đà tăng trưởng sẽ không đạt như mong muốn. Đối với một nền kinh tế đang khát khao vươn lên thì quy mô GDP 5 triệu tỷ là khiêm tốn.
Đại biểu cũng chỉ ra việc nhân tố tạo nên bứt phá năm 2017 không được duy trì bền vững, khi quý I-2018 tăng trưởng đột biến, nhưng các quý sau lại giảm dần.
“Diễn biến này không theo diễn biến thông thường là quý 1 tăng trưởng thấp và tăng dần quý sau; mà nó giống diễn biến năm 2008 khi kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát phi mã lên đến 20%, kinh tế thế giới khủng hoảng”, đại biểu nêu ra nhận định.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, việc chúng ta tăng trưởng nhờ gia công có dấu hiệu đậm nét hơn, gia công lắp ráp điện tử, máy tính tăng trưởng 32,7%, gấp 2,25 lần công nghiệp chế biến, chế tạo. Chế biến chế tạo bằng nguồn nguyên liệu trong nước lại tăng trưởng rất thấp.
Chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, là điều đáng mừng, nhưng thể hiện trình độ công nghệ, nhân lực còn thấp nên thế giới chỉ phân công, chấp nhận Việt Nam khâu này. Nó cũng lại tạo ra nghịch lý chúng ta có nhiều nguyên liệu thô nhưng phải xuất khẩu để nhập lại hàng hóa trung gian về gia công lắp ráp, mang lại giá trị gia tăng thấp.
Theo đại biểu, với dân số đang già đi nhanh chóng, cùng với cách mạng 4.0, lợi thế lao động giá rẻ dần mất đi, nên có thể gia công lắp ráp chúng ta cũng không còn chỗ đứng.
Ngoài nông nghiệp công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tăng trưởng của chúng ta chịu sự chi phối của DN FDI, nhưng chúng ta lại không tận dụng hết lợi thế của FDI.
Đóng góp của khu vực FDI của vào xuất nhập khẩu là rất lớn. Samsung và Formosa đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng mảng chế biến chế tạo DN trong nước còn quá nhiều hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh. Chuyển giao công nghệ và liên kết của DN FDI với DN trong nước chưa được như mong muốn. Chênh lệch năng suất lao động ngày càng tăng, và chúng ta thua cả Lào về chỉ số này.
“Thành tựu là cơ bản, nhưng có những khoảng lặng cần nhìn nhận”, đại biểu khuyến cáo.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng nói tăng trưởng dựa vào dầu thô là không thỏa đáng. Đại biểu nêu dẫn chứng cho thấy khai thác cả dầu thô và than đều giảm so với 2017: Dầu thô 2016 khai thác 15 triệu tấn, 2017 kế hoạch 13,2 triệu tấn thực hiện 13,5 triệu tấn, vượt hơn 200.000 tấn nhưng vẫn hụt hơn 1,6 triệu so với 2016. Than khai thác cũng giảm so với kế hoạch gần 2 triệu tấn.
Đại biểu Trần Quang Chiểu đặt câu hỏi: “Không biết đại biểu (Hoàng Quang Hàm - PV) lấy số liêu ở đâu để nói rằng khai thác dầu thô tăng, nếu không có dầu thô thì không đạt tăng trưởng.
Tranh luận lại với đại biểu Chiểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn Báo cáo 193 của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện ngân sách 2017 và dự kiến ngân sách 2018 nêu rõ: Khai thác dầu thô 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn so với 2016.
“Chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, do đó ảnh hưởng đến GDP. Tôi nhìn nhận rằng tỷ trọng thu dầu thô, khai thác khoáng sản có tăng so với 2017”, đại biểu Hàm nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đại biểu Hàm bày tỏ “đánh giá rất cao Chính phủ trong nỗ lực thoát khỏi lệ thuộc vào khoáng sản, vì đây là của để dành, nhưng rất muốn bức tranh tăng trưởng phải là thực chất”.