Khi bệnh viện công tự chủ
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định phân cấp quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Hiện có 25 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ tài chính, giảm 25.000 cán bộ y tế không hưởng lương ngân sách.
Tự chủ, bệnh viện sẽ hoạt động năng động hơn.
Đây là thông tin vừa được Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ tại một Hội thảo về tự chủ tài chính trong bệnh viện công (diễn ra tại thành phố Thanh Hóa). Quyết định này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực thực hiện từ ngày 23/5/2018.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế được giao tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức gồm: thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc đơn vị ngoài các tổ chức trong cơ cấu tổ chức được phê duyệt trong quy chế tổ chức hoạt động của đơn vụ theo hướng tinh gọn hiệu quả phù hợp chức năng nhiệm vụ của đơn vị và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị sự nghiệp được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo phân cấp; được tổ chức tuyển dụng viên chức của đơn vị theo quy định pháp luật. Với quy định về quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế được giao tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên có trách nhiệm xây dựng bổ sung sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động thường xuyên.
Theo Bộ Y tế, việc tự chủ tài chính trong các bệnh viện công trực thuộc Bộ đã giúp tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước.
Dẫu vậy, việc tự chủ tài chính trong các BV công, đơn cử ngay tại Hà Nội cũng vẫn còn nhiều gian nan. Cùng với xu thế phát triển chung đó của ngành Y tế Thủ đô đang tiến tới triển khai việc tự chủ hoàn toàn về tài chính tại tất cả các BV công lập, trừ những đơn vị y tế đặc thù. Thế nhưng, khi đang quen sống dựa vào ngân sách, việc chuyển sang tự chủ, đứng vững trong nền kinh tế thị trường là điều không hề dễ dàng. Trong đó, cái khó thứ nhất là thu không đủ chi. Cái khó thứ hai- theo ghi nhận từ các BV, đó là cơ chế tự chủ nửa vời. Có những BV chỉ được tự chủ về tài chính, chưa được tự chủ tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, còn có một nghịch lý khác nữa là trong khi cơ chế tự chủ thời gian qua giúp các BV tuyến trung ương, tuyến trên sống khỏe, thì đối với một số BV tuyến quận, huyện, kể cả tuyến TP vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật, trình độ bác sĩ và trang thiết bị, kể cả chi phí BHYT.
Trên thực tế, sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đến nay, nhiều BV công đã tự chủ động được phần lớn kinh phí hoạt động, đồng thời có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng hài lòng của người bệnh. BV Bạch Mai đã mở rộng các khoa, phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Đồng thời kêu gọi DN đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và điều trị cho người bệnh.
Nhờ đó, BV đảm đương được khoảng 1,6 triệu lượt chữa bệnh ngoại trú, 150.000 lượt người đến điều trị nội trú hàng năm. Lãnh đạo BV Bạch Mai cho rằng, nhờ có xã hội hóa mà BV có máy móc, trang thiết bị hiện đại, huy động được các nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, nhiều BV tuyến trung ương như BV Việt Đức, Nội tiết T.Ư, Phụ sản T.Ư… cũng có điều kiện thực hiện cơ cấu lại bộ máy, định hướng phát triển nguồn nhân lực, nhất là huy động vốn, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Những BV này cũng có cơ chế đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện giúp người dân được khám, chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao, ngang tầm các nước có nền y học phát triển. Đồng thời thu nhập của cán bộ y tế cũng tăng lên, tạo tâm lý ổn định và hài lòng đối với cán bộ y tế.
Trước những băn khoăn từ dư luận về những cái khó của BV tuyến dưới, về việc có nên để các BV “tự bơi” trong cơ chế thị trường hay không? Ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Khi thực hiện tự chủ, Nhà nước sẽ giảm gánh nặng đầu tư cho các BV và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần để phục vụ an sinh xã hội tốt hơn như: Y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nhân lực.
Việc giao tự chủ cho BV không có nghĩa là để các BV “tự bơi” trong cơ chế thị trường, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các BV phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Những BV công thuộc khu vực khó khăn, BV công thuộc lĩnh vực chuyên khoa đặc thù như: Tâm thần, Phong, HIV/AIDS, Nhà nước vẫn “bao cấp” để đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Theo quy định mới của Bộ Y tế, việc tự chủ tài chính trong các BV công lập tới đây sẽ là tự chủ hoàn toàn, từ tài chính, nhân sự. Dẫu thế, người dân cũng đang lo ngại khi tự chủ tài chính, liệu có xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như BV tìm mọi cách trục lợi BHYT, “tận thu” của bệnh nhân để tăng thu, tăng lợi nhuận… Liệu việc quản lý BV công có giống như mô hình quản lý doanh nghiệp, nhưng là doanh nghiệp đặc biệt, phi lợi nhuận hay không?
Nhìn rộng hơn, tự chủ BV công không nằm ngoài cái đích hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; là động lực để các BV cải tiến, tự hoàn thiện và thay đổi mình nhằm mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Và chính chỉ số hài lòng của người bệnh sẽ góp phần phản ánh đáng kể chất lượng phục vụ của các BV. Trong cơ chế cạnh tranh, thì cuộc đua để nhận được sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà họ không chỉ dành cho bệnh viện công.
Theo một khảo sát do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) công bố gần đây, có tới gần 80% người bệnh đạt kỳ vọng đối với các cơ sở y tế công lập, tương ứng với chỉ số hài lòng trung bình là 3,98. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế (chỉ số PSI) được thực hiện với gần 3.000 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 29 BV thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước.
Dẫu thế, theo TS. Nguyễn Lan Hương- đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, kết quả khảo sát thí điểm lần này chưa phản ánh toàn diện, đầy đủ thực trạng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam, vì mới chỉ có 29 bệnh viện tham gia so với con số 1.400 BV và cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên toàn quốc. Hơn nữa, các BV tuyến Trung ương mặc dù có trong danh sách mời tham gia chương trình thí điểm nhưng chưa chia sẻ cơ sở dữ liệu người bệnh có số điện thoại di động với Bộ Y tế, vì thế trong mẫu khảo sát lần này chưa có các BV tuyến Trung ương.