Chuyển tuyến BHYT khi sinh con có cần giấy giới thiệu không?
Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, TP. Hải Phòng khẳng định, không yêu cầu người có thẻ BHYT đến khám phải có Giấy giới thiệu (ngay cả trong và ngoài giờ, cấp cứu và chưa phải là tình trạng cấp cứu).
Theo phản ánh của bà Trần Thị Oanh, nhân viên nhân sự tại một Công ty ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một lao động tại Công ty của bà có thẻ BHYT và nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương nhưng sinh con tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân Hải Phòng (nơi có hộ khẩu).
Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân Hải Phòng không chấp nhận thẻ BHYT đó nên người lao động phải lên tuyến trên là Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Bệnh viện yêu cầu phải có giấy giới thiệu từ Công ty, nhưng trong tình trạng nguy cấp đi sinh con giữa đêm nên không thể có giấy giới thiệu ngay được.
Trước đó, vào đầu quý 1/2018 bà Oanh có làm thủ tục tại BHXH huyện Kim Thành để đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động này về Hải Phòng, nhưng được BHXH huyện Kim Thành giải thích hiện BHYT thông tuyến toàn quốc nên không cần thiết.
Bà Oanh hỏi, tại sao bệnh viện tuyến huyện tại Hải Phòng lại không nhận thẻ BHYT của các tỉnh khác, chưa kể đến việc giải quyết tỷ lệ hưởng BHYT theo đúng tuyến hay trái tuyến?
Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng trả lời như sau:
Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 về việc hướng dẫn thực hiện BHYT: “Người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về thân nhân người đó”.
Điều 7 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám chữa bệnh: “Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì sử dụng một trong các loại giấy tờ sau: Giấy CMND, Hộ chiếu, Thẻ Đảng viên, Thẻ Công an nhân dân, Thẻ Quân nhân, Thẻ Đoàn viên công đoàn, Thẻ học sinh, Thẻ Sinh viên, Thẻ cựu chiến binh, Giấy phép lái xe hoặc một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ khác...”.
Ngày 21/3/2006, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 943/BHXH-CSYT về việc hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, theo nội dung Công văn tại Mục 1, Mục 2 thì từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các Bệnh viện tuyến huyện có mức hưởng là 100% chi phí khám chữa bệnh.
Phòng Giám định BHYT thuộc BHXH thành phố Hải Phòng đã phối hợp với BHXH quận Lê Chân và Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân xác minh theo nội dung phản ánh của bà Oanh. Qua trao đổi với bà Oanh, bà Oanh phản ánh về việc bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân tên là Lê Thị Huế, khoảng 30 tuổi. Theo nội dung biên bản họp khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân và Công văn số 63/CV-BVLC ngày 5/5/2018 của Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân sản khoa có hộ khẩu tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đến khám bệnh nhưng không phải tên là Lê Thị Huế. Bệnh viện đã chuyển tuyến theo yêu cầu của bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng theo quy định.
Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân khẳng định, không yêu cầu người có thẻ BHYT đến khám phải có Giấy giới thiệu (ngay cả trong và ngoài giờ, cấp cứu và chưa phải là tình trạng cấp cứu).