Quy tắc giao thông khu vực đường ngang
Quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang được Bộ Giao thông vận tải nêu rõ tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Theo Thông tư, người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ đồng thời thực hiện quy định sau đây: Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang; khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”.
Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng. Đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.
Thông tư nêu rõ, không được quay đầu xe, dừng xe, đỗ xe trong phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn không thể di chuyển ngay ra khỏi phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang, người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi này.
Trường hợp điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ngoài của ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,75 m thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra cách mép ngoài của ray ngoài cùng tối thiểu 1,75 m.
Tàu qua đường ngang
Theo Thông tư, Người điều khiển tàu qua đường ngang ngoài việc tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Đường sắt, phải chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.
Trường hợp bắt buộc phải dừng, đỗ tàu trên đường ngang; dồn tàu hoặc giải thể, lập tàu thì người phụ trách phải tìm mọi cách để đường bộ được nhanh chóng giải phóng tắc nghẽn giao thông. Khi phải đỗ tàu trên đường ngang thì thời gian đỗ không được vượt quá 3 phút trên đường ngang cấp I, cấp II, không được vượt quá 5 phút trên đường ngang cấp III; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.