Rủi ro môi trường mạng
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tính tới tháng 1/2017, có hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 53% dân số. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới.
Sự phát triển của các mạng xã hội, giúp con người kết nối với nhau tốt hơn, facebook là một trong số đó.
Theo số liệu thống kê của facebook năm 2018, Việt Nam có khoảng 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 48 triệu tài khoản facebook.
Còn theo số liệu thống kê của Unicef năm 2017 thì hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 - 24.
Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).
Đáng ngại ở chỗ khá nhiều em học sinh dùng face ở mức độ như hít thở không khí.
Không có không chịu nổi. Nhưng hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới.
Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội.
Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh.
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ em thường dễ bị xâm hại trên môi trường mạng do các em chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet.
Trẻ em hiện nay được tiếp cận sớm với công nghệ và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng nên nhiều bậc phụ huynh gặp khó trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Trước những nguy cơ này, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những quy định chặt chẽ đối với các nhà cung cấp dịch vụ; tăng cường tuyên truyền các ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em; cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em gồm kiến thức sử dụng mạng an toàn; cung cấp kênh thông báo, phản ánh đối với những nội dung xấu; cung cấp hướng dẫn, công cụ giúp cha mẹ bảo vệ con...
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tự trang bị phương pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Song theo Giám đốc Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh thì rất khó để cha mẹ có thể kiểm soát con hoàn toàn.
Vì vậy, cha mẹ nên trở thành những người bạn với con để các con tin tưởng, chia sẻ với mình các thông tin, hoạt động của con.
Từ đó, hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng tốt nhất, giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy trên môi trường mạng từ đó hạn chế đến mức tối đa những rủi ro cho trẻ.