Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018, vấn đề nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, GS.TS Nguyễn Thanh Phương- phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đã đến lúc cần phải có những cú hích đột phá lớn từ chính sách giống như gói 30 ngàn tỷ đồng giải cứu thị trường bất động sản.
GS Nguyễn Thanh Phương. Ảnh: Quang Vinh.
PV:Hiện trong nông nghiệp đang có sự chênh lệch lớn, ví dụ trồng cà phê, bơ, ca cao ở Tây Nguyên đem lại thu nhập 3 tỷ đồng/1ha/năm; còn những vùng thuần nông tại Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang 1ha lúa chỉ đem lại thu nhập 70-80 triệu/ năm. Ông nghĩ sao khi cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản phẩm?
GS Nguyễn Thanh Phương: Cây trồng có tính chất vùng miền vì phụ thuộc vào điều kiện sinh thái. Nên vùng ĐBSCL khó có thể chuyển đổi sang trồng cây khác như cà phê để nâng cao giá trị. Nhưng vấn đề là, bây giờ cần khai thác các điều kiện sinh thái phù hợp với cây đó để nâng cao chuỗi giá trị.
Xưa nay chúng ta chạy theo số lượng, ví dụ như mấy chục triệu tấn lúa/1 năm nhưng lại lơ là vấn đề chất lượng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không phải là số lượng mà là chất lượng. Chất lượng có mấy cái cần phải cải thiện như cần giống để có chất lượng cao hơn, rồi phải đảm bảo năng suất phù hợp. Nhưng cái khó nhất hiện nay là thương hiệu và cái này đang yếu. Bây giờ ngay các mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng của ta như lúa, cá tra, tôm vẫn đang phải xây dựng thương hiệu. Tái cơ cấu phải gắn với đẩy được giá trị thương hiệu lên, tìm cho nó thị trường. Lúc bấy giờ không phải số lượng mà là chất lượng, sản xuất ra ít nhưng thị trường chấp nhận và có giá cao.
Tôi đã đi thực tế thấy rằng, như cá tra phi lê xuất khẩu vào Châu Âu nếu để bán ở vỉa hè giá chỉ 7 bảng/ 1 kg, nhưng khi có thương hiệu, bán ở siêu thị loại bình thường được hơn 10 bảng, còn bán trong siêu thị tốt giá từ 20-30 bảng/1kg. Như vậy bán 3kg ở vỉa hè mới bằng 1 kg trong siêu thị. Vậy thay vì xuất khẩu 3kg, chúng ta chỉ cần 1 kg vào thị trường cao cấp. Vì thế phải hướng đến thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Nếu cứ chạy theo số lượng là thua, cho nên phải thay đổi cách sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thì mới đem lại hiệu quả.
Thực tế thì vấn đề xây dựng thương hiệu đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng tại sao đến giờ vẫn còn loay hoay, thưa ông?
- Một số ngành cho rằng thương hiệu để cho doanh nghiệp làm. Cá nhân tôi không nghĩ như vậy, vì thương hiệu những mặt hàng chủ lực phải do Nhà nước đứng lên làm. Bởi có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất, cùng xuất khẩu một mặt hàng, nếu mỗi anh một thương hiệu thì sẽ rối. Ví dụ cá tra có 100 doanh nghiệp xuất khẩu với 100 thương hiệu khác nhau vậy ai biết thương hiệu nào tốt? Cho nên phải có thương hiệu về cá tra chung của Việt Nam, đây là thương hiệu quốc gia và ai sản xuất đạt chuẩn thương hiệu này thì anh được mang thương hiệu đó, giống như ở Na Uy có thương hiệu cá hồi.
Chúng ta phải làm như vậy, chứ hiện nay cây lúa, con tôm vẫn đang chần chừ giữa để cho doanh nghiệp làm hay cơ quan nhà nước đứng ra làm. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, xây dựng thương hiệu đã khó mà giữ được thương hiệu còn khó hơn, nếu không sẽ mất niềm tin với người tiêu dùng.
Trong xuất khẩu nhiều loại hoa quả trái cây của ta đã thắng lớn như quả vải, thanh long đã sang Mỹ, Úc, Châu Âu. Tuy nhiên làm sao để nâng cao chuỗi giá trị trong sản phẩm nông nghiệp, nhất là sắp tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên áp lực lớn, vậy làm sao để nông nghiệp có đáp ứng được trước những thách thức này, thưa ông?
- Thời gian qua chúng ta xuất khẩu nhiều loại trái cây ra các nước, giới thiệu được sản phẩm và được thị trường chấp nhận là thành công bước đầu. Nhưng họ chấp nhận mới ở mức thăm dò còn khi nào định hình rồi lượng lớn sản phẩm được nhập khẩu mới là quan trọng, lúc đó không phải họ nhập 5 tấn như lúc đầu mà là 50 tấn, 500 tấn. Do đó khi được thị trường chấp nhận thì cần xây dựng thương hiệu chất lượng, nếu không chúng ta sẽ thua. Cách đây 2 năm chúng ta giới thiệu quả vải sang Malaysia nhưng đến nay lại im re. Qua việc đó, tôi thấy, cái khó là ta chưa có quản lý toàn diện chuỗi giá trị từ đầu đến cuối, làm sao để sản phẩm đưa ra có được chất lượng tốt nhất.
Thưa ông, nông nghiệp với 70% dân số vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Nếu nông nghiệp đảm bảo thì an sinh xã hội sẽ được đảm bảo, vậy chúng ta cần cú hích như thế nào?
- Ngành nông nghiệp vẫn chưa dám tạo những cú hích đột phá lớn từ chính sách, hay những đầu tư lớn. Ví dụ trước đây chúng ta bị đóng băng bất động sản nhưng khi Chính phủ có cú hích là đưa gói 30 ngàn tỷ đồng giải cứu, thị trường đã khởi sắc. Tôi nghĩ trong nông nghiệp cũng phải như vậy. Bây giờ mặt hàng nào đã định hình được thị trường phải có cú hích thật lớn, đầu tư đủ lớn để đẩy nó lên. Chính phủ cần cú hích đầu tư bỏ tiền có bài bản, hệ thống từ thị trường sản xuất, quản lý chất lượng thế. Nếu nói tái cấu trúc mà không có cú hích đầu tư lớn trọng tâm là không ổn. Ví dụ như gói hỗ trợ cho ngư dân đánh cá xa bờ nhưng khi làm không tới nơi tới chốn, đóng tàu cũng trục trặc. Cho nên phải hích đúng và mạnh vào những mặt hàng có chỗ đứng. Chứ cứ giải cứu lúc khó khăn chỉ là biện pháp mang tính chất nhất thời.
Trân trọng cảm ơn GS!