Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học mới
Gần 1.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, nhân viên, phụ huynh của các trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã được khảo sát nhằm đánh giá khung quy tắc ứng xử trong nhà trường phổ thông, làm cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ GD&ĐT đang cố gắng để ban hành bộ khung qui tắc ứng xử trước thềm năm học mới. Ảnh: VGP.
Các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số Sở GD&ĐT, trường phổ thông đã cùng góp ý cho dự thảo đầu tiên của khung quy tắc ứng xử trong trường học.
TS. Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), Phó trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, bộ quy tắc ứng xử trong trường học là tập hợp những quy định về các hành vi nên làm và không được làm, thể hiện các chuẩn mực, giá trị văn hóa trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập của các chủ thể trong nhà trường và các đối tượng có liên quan.
Quy tắc ứng xử trong trường học có vai trò điều chỉnh cách thức ứng xử của các thành viên trong nhà trường theo văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.
Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách học sinh, sinh viên; phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận, phù hợp với quy định của pháp luật và với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường và ngành giáo dục.
Yêu cầu đối với bộ quy tắc ứng xử là rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Nội dung phải được thảo luận dân chủ và đồng thuận của các thành viên trong nhà trường. Thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan. Phải được theo dõi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay quy tắc ứng xử trong trường học đã được triển khai thực hiện trong toàn ngành giáo dục khi triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ năm 2008. Hầu hết các trường phổ thông trên cả nước hiện nay đều đã tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử.
Theo báo cáo của 50 Sở GD&ĐT, 100 trường đại học và cao đẳng sư phạm, đến tháng 3/2018, đã có 68,7% các trường phổ thông ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; trong đó 54,6% trường thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý vi phạm; 80% cơ sở đào tạo đã ban hành quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó có 58% số trường thực hiện và có chế tài xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, bộ quy tắc ứng xử trong các trường học hiện nay còn khá chung chung, dài, khó nhớ, khó thực hiện, một số còn mang tính hình thức. Ở nhiều trường, nội dung của quy tắc ứng xử chủ yếu nêu lại một số điều trong quy chế nhà trường. Việc cập nhật tình hình, điều kiện của địa phương, nhà trường để đưa những quy định cụ thể, có nét riêng phù hợp vào quy tắc ứng xử còn rất ít. Một số trường tham khảo nội dung của trường khác và có nhiều phần nội dung hoàn toàn giống nhau, chưa thể hiện được các nội dung cụ thể, đặc thù của trường mình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ GD&ĐT đang cố gắng để ban hành bộ khung qui tắc ứng xử trước thềm năm học mới 2018-2019. Các nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện từ các ý kiến góp ý, sau đó Bộ sẽ tổ chức thẩm định kết quả nghiên cứu. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện nội dung dự thảo khung qui tắc ứng xử trong trường học, Bộ sẽ tiến hành đăng mạng để xin ý kiến rộng rãi các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên và xã hội trước khi ban hành.
Được biết, bộ quy tắc ứng xử trong trường học cũng được nhiều nước trên thế giới quan tâm, từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển. Đây được coi là bộ công cụ cần thiết để điều chỉnh thái độ, hành vi của các thành viên trong nhà trường và là công cụ không thể thiếu cho việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.