Bình mới, rượu cũ
Vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, các Nhà hát, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật lại cho ra mắt hàng loạt chương trình nghệ thuật cũng như các hoạt động văn hóa, giải trí dành tặng các em thiếu nhi. Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng về số lượng thì câu chuyện “bình mới, rượu cũ” trong chất lượng các tác phẩm vẫn luôn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Cảnh trong vở diễn “Giấc mơ của nàng tiên cá”.
Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị “tiên phong” với 3 chương trình mới được khai màn từ ngày 20 – 5 gồm “Căn bếp đại chiến” (Đoàn kịch 1), “Niềm vui của đám gà nhà” (Đoàn kịch 2) và “Giấc mơ của nàng tiên cá” (Đoàn ca múa nhạc).
Từ ngày 26/5, Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục biểu diễn 3 vở diễn “Ăn quả trả vàng”, “Chuyện chàng dũng sĩ” và “Ngũ hổ tướng” đã được dàn dừng từ mấy năm trước tại rạp số 1 Tràng Tiền…
Với sân khấu xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng giới thiệu chương trình mới mang tên “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” từ ngày 26/5 đến 3/6 tại Rạp Xiếc trung ương. Nhà hát Múa rối Thăng Long có 2 chương trình “Chào hè 2018” và “Thế giới của chúng em” tại rạp 57B Đinh Tiên Hoàng.
Không chịu kém cạnh, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã chính thức “khai màn” từ ngày 16/5 đến ngày 3/6 với 3 chương trình rối cạn “Thế giới những nhân vật hoạt hình”, “Tấm ơi, nhuộm tóc đi” và vở diễn mới được dàn dựng “Đi phượt cùng bà lão đánh cá”.
Điểm lịch diễn của các đơn vị nghệ thuật thấy chương trình vẫn chủ yếu là những “món” đã quen thuộc với trẻ nhỏ như hài kịch, múa rối, ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, hoạt cảnh…
Bên cạnh đó, về tạo hình nhân vật, kịch bản vẫn câu chuyện “bình cũ, rượu mới” trong sáng tạo. Hầu hết, các vở diễn, các trích đoạn phần nhiều vẫn nặng về gây cười, pha trò theo kiểu tấu hài, cốt truyện lỏng lẻo, lặp đi lặp lại, chưa kể một vở diễn thường thiếu nhi phải thêm vào múa, ca nhạc, kịch. Chính vì sự nhập nhằng giữa các loại hình, không biết loại hình nào là chính trong vở diễn khiến vở diễn trở nên “hỗn loạn”, chắp vá.
Có thể thấy, vòng luẩn quẩn của sân khấu nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong nhiều năm qua vẫn là câu chuyện thiếu những kịch bản đủ chất và lượng. Trong đó, NSƯT Chu Lượng- Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Cái khó nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay đó chính là hiện nay, tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi không nhiều. Chủ yếu chỉ có những tác phẩm dành cho người lớn”.
NSƯT Tống Toàn Thắng- Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ điều mà xiếc thành công chính là sự tương tác với khán giả, giúp các em hoà đồng với các nhân vật trong câu chuyện diễn ra trên sân khấu.
Hiện nay để tìm tác phẩm hay dành cho thiếu nhi trong kho tàng nghệ thuật thế giới đã khó, ở Việt Nam, việc đó còn khó hơn do không có nhiều sáng tác dành cho đối tượng này.
Nhưng nhìn chung, chương trình chào hè 2018 dành cho thiếu nhi đã có những khởi sắc. Hầu hết các chương trình đều cố gắng nâng cao chất lượng nội dung. Bởi ngoài mục tiêu hấp dẫn các thượng đế nhỏ tuổi bằng sự lạ mắt, đẹp đẽ thì việc chú ý tới giá trị giáo dục của vở diễn sẽ dễ dàng thuyết phục các bậc phụ huynh.