Đảm bảo an ninh trên không gian mạng
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật An ninh mạng. Vấn đề bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH.
ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.
Bảo đảm tính khả thi
Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh cho biết, sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số quốc gia là thành viên của WTO như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Phần Lan, Bungaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil, Indonesia, Trung Quốc... đều có quy định phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Do đó UBTVQH đã chỉnh lý Dự thảo theo hướng không quy định nội dung đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong Dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.
Lý giải cho quan điểm trên, UBTVQH cho rằng, việc quy định như vậy sẽ có 4 thuận lợi chính. Thứ nhất đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Thứ hai là phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Thứ ba là tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này.
Cuối cùng là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Giúp ngăn chặn tội phạm mạng
Theo ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), việc yêu cầu phải đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam sẽ hữu ích, ngăn chặn được tội phạm lợi dụng mạng để đưa thông tin xuyên tạc chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước. Qua đó cũng gắn với nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng phải có trách nhiệm trong việc gỡ bỏ những thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam, những thông tin nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp phần ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
“Việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm quy định các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng là hết sức cần thiết, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn”. - ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.
Đưa ra dẫn chứng về vụ tin tặc tấn công chiếm quyền điều khiển của hệ thống máy chủ Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam thay đổi nội dung và đưa ra các thông báo trên hệ thống màn hình hiển thị của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất khiến hậu quả đã làm chậm gần 100 chuyến bay, hệ thống gần 100 máy chủ bị phá hoại, không thể truy cập, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đặt vấn đề: “Chúng ta thử hình dung xem nếu hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc gia, hệ thống tài chính, ngân hàng, các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào?”.
Từ đó, ông Quân cho rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm quy định các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng là hết sức cần thiết, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Cũng theo ông Quân, hiện 18 nước là thành viên của WTO đều yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Do đó việc luật quy định như vậy là hợp lý, đảm bảo công tác điều tra.
Bảo vệ bí mật đời tư trên không gian mạng
Theo ĐB Cao Đình Thưởng, thông tin cá nhân là bí mật đời tư, chỉ chủ thông tin mới được quyền chia sẻ thông tin cho người khác, thông tin cá nhân phải được pháp luật đảm bảo an toàn. Do đó việc thu thập công bố thông tin đời tư cá nhân phải được sự đồng ý cho phép của chủ thông tin cá nhân. Quy định như vậy mới hạn chế được tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng, hay việc trao đổi mua bán thông tin của người khác.
Ông Thưởng cũng đề nghị thông tin trên mạng có nội dung làm nhục, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác phải bị xử lý chứ không thể chỉ xử lý trong trường hợp nghiêm trọng. “Danh dự của con người phải được pháp luật bảo vệ. Nếu xác định nghiêm trọng mới xử lý thì sẽ phải chứng minh thế nào là nghiêm trọng? Thế nào là không nghiêm trọng? Lúc đó mới đi xử lý là không phù hợp với thực tế”- ông Thưởng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng cho rằng, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn, bảo vệ an ninh mạng trước nguy cơ tấn công. Tuy nhiên cần quy định cụ thể tiêu chuẩn lựa chọn nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể của lực lượng, quản lý chặt chẽ để tránh lợi dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động xâm phạm lợi ích an ninh trật tự của Nhà nước. Qua đó mới hạn chế thấp nhất việc sử dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để vi phạm, như các vụ sử dung mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hoá đơn đã diễn ra thời gian qua.
“Đưa nội dung giáo dục an ninh mạng vào trong trường học là phù hợp nhưng cần cân nhắc để tránh tình trạng quá tải cho học sinh cũng như phải trang bị cơ sở trang thiết bị dạy học”. - ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Quang Vinh.
Còn ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, việc phòng ngừa xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng như tội phạm gián điệp mạng, khủng bố mạng là cần thiết. Do đó việc đưa nội dung giáo dục an ninh mạng vào trong trường học là phù hợp nhưng cần cân nhắc để tránh tình trạng quá tải cho học sinh cũng như phải trang bị cơ sở trang thiết bị dạy học. Nên chăng đưa vào chương trình nội dung trong giáo dục quốc phòng tại nhà trường.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nói, Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên tác động tiêu cực của môi trường mạng với trẻ em từ các trang web đen, trò chơi online không phù hợp với trẻ em chưa được kiểm soát chặt chẽ luôn là nỗi lo đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
“Nếu không thể kiểm soát được việc tham gia vào mội trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em đi bụi đời trên mạng xã hội, rồi sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc, dẫn đến thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do đó, Luật cần có một điều quy định bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, các em có một môi trường an toàn trên không gian mạng, được giáo dục, vui chơi phù hợp với lứa tuổi”- ông Cảnh kiến nghị.