Lương và thu hút nhân tài
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm làm sao để nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
ĐBQH Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Quang Vinh.
“Đại gia” không mặn mà đầu tư cho giáo dục
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đặt vấn đề: Chúng ta kêu gọi FDI để mở đặc khu, trong đó có sòng bạc và casino, mà không kêu gọi FDI vào lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và ông Kim đưa ra dẫn chứng: Trong năm 2017 chúng ta chi 2 tỷ USD cho 80 ngàn em ra nước ngoài đi học ở các nước tiên tiến trong đó chủ yếu là các nước nói tiếng Anh trong khi, giáo dục đại học (GDĐH) là phải phát huy sáng tạo cá nhân, mà sao chúng ta không có trường quốc tế ở bậc này?
“Tôi cho bây giờ có đề cập trong Luật cũng đã cũ rồi, cũng không có gì mới nhưng Luật vẫn không đề cập”- ông Kim nói.
Bày tỏ quan tâm đến vấn đề xã hội hoá GDĐH, ĐB Hoàng Thị Thuý Lan- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nêu vấn đề: Nhiều “đại gia” không thiếu tiền, động cơ, ý chí mà vẫn không mặn mà đầu tư cho GDĐH”.
Để thể chế hoá, hiện thực hoá thành công chủ trương xã hội hoá GDĐH, bà Lan đề nghị Luật cần xây dựng các cơ chế phù hợp để khuyến sự tham gia của nhà đầu tư cũng như toàn xã hội đầu tư cho giáo dục.
Chẳng hạn như các khoản lợi nhuận đầu tư cho xã hội được miễn thuế hoặc khấu trừ thuế thu nhập. Ưu tiên quy hoạch, bố trí quỹ đất, tạo điều kiện tiếp cận đất, miễn tiền thuê đất cho các nhà đầu tư giáo dục.
Nhà nước tăng cường cấp học bổng, dựa trên kết quả học tập. Trợ cấp chi phí cho những người có khả năng mở rộng các chương trình cung cấp và bảo lãnh tín dụng sinh viên.
Mở rộng tự chủ, khuyến khích các mô hình đào tạo tiên tiến nhằm giúp tạo ra các hình mẫu nâng cấp chất lượng đào tạo, vừa khuyến khích trách nhiệm học tập đồng thời giúp huy động nguồn lực dựa trên nhu cầu, năng lực chi trả của xã hội.
Qua đó, giúp trợ cấp chéo cho các đối tượng có khả năng học tập nhưng không có khả năng chi trả.
Còn, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mô hình GDĐT phải đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu chúng ta cứ giữ mô hình như hiện nay chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu nếu chúng ta chỉ học kiểu đơn môn.
Theo ông Dũng, ở Mỹ khuyến khích chương trình GD liên kết các ngành với nhau.
Công nghệ số đang phát triển vượt bậc, thâm nhập vào tất cả các ngành nghề, vì vậy nguồn nhân lực mới phải đáp ứng được.
Trong khi đó, Dự thảo Luật chưa đáp ứng được điều này, còn thể hiện khá chung chung. Chúng ta phải chạy nhanh hơn nữa trong việc đưa công nghệ số vào.
“Tại sao các công ty, tập đoàn lớn đều phải tuyển người? Tại sao sinh viên học 4 năm ĐH mà có đến 40-50% không đáp ứng được yêu cầu?”- ông Dũng nêu vấn đề và cho rằng, chương trình của chúng ta nhồi nhét, kiến thức không áp dụng vào cuộc sống. Do đó phải định hướng chương trình giáo dục nhất là đào tạo trực tuyến trong khi đây là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. “Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong tương lai, nhiều bộ môn trẻ em sẽ được học ở nhà. Đây là kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cho nên cần nghiên cứu để xác định tính pháp lý”- theo ông Dũng.
Thầy không đủ sống sao có thể toàn tâm dạy học
Liên quan đến đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành GD, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đặt vấn đề: Thực sự có cần chuyện đi học để đi dạy bằng cách xóa nợ hay không?
Theo ông Phương, cần tính toán lại, nếu không người học sẽ có tâm lý, đi học mấy năm rồi trả hết nợ để đi làm ngành khác, như vậy chúng ta sẽ hụt hẫng thầy giáo liên tục.
“Vấn đề ở chỗ chế độ lương bổng của người thầy giáo quy định như thế nào thì người ta không cần tín dụng sư phạm. Nếu dạy đủ sống, tồn tại được, yêu nghề thì tín dụng sư phạm lúc bấy giờ không phải ở lương bổng mà là mấu chốt lương cho thầy giáo, cô giáo”- ông Phương bày tỏ.
Đề cập đến vấn đề tại sao lại phải đóng học phí, ĐB Y Tru Alio- Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, phó hiệu trưởng Trường ĐH Đắk Lắk cho rằng, nhiều năm qua ngành sư phạm yếu vì lương giáo viên thấp, ngoài lương ra không còn khoản thu nhập nào khác, trong khi đòi hỏi sinh hoạt cao, lương không đủ chi phí.
Theo ông Y Tru Alio, chúng ta cứ nói GD là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho phát triển nhưng nếu không làm tốt chế độ cho giáo viên thì sau này tìm giáo viên rất khó, nhất là vùng 3 tây: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. “Không thầy đố mày làm nên. Bây giờ thầy không đảm bảo sinh hoạt thì sao có thể toàn tâm mà dạy học được?”- ông Y Tru Alio nói.
Trong khi đó, theo ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu), chính sách tiền lương cho giáo viên đã được đề cập từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, trong đó xác định đầu tư cho GD là quốc sách hàng đầu, là đầu tư cho phát triển.
Sau này Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện GD cũng đề cập đến, trong đó xác định lương nhà giáo ưu tiên xếp vào bảng lương cao nhất trong thang bậc lương. Theo ông Chinh, nếu đến giờ chúng ta không cải thiện lương cho nhà giáo thì khó thu hút người giỏi vào ngành GD.
“Không có thầy giỏi sao có trò giỏi vì người thầy quyết định chất lượng giáo dục? Làm sao có được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nếu không bứt phá. Ta cứ loay hoay chuyện này?”- ông Chinh đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, phải cải cách tiền lương cho nhà giáo, đặc biệt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút người tài trước tình trạng nhân tài đang “chạy” ra nước ngoài.
Ở góc nhìn khác, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, lâu nay chúng ta không tuyển được sinh viên sư phạm có đầu vào tốt, sinh viên ra trường thất nghiệp.
Có ý kiến cho rằng nên có chế độ học bổng cho sinh viên ngành sư phạm, chế độ ưu đãi tuyển sinh; nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên có tín dụng ưu đãi để cho sinh viên vay để giúp trang trải kinh phí cho quá trình học của sinh viên.
Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo là chính sách quan trọng nhất.
Từ đó, ông Hùng đưa ra phân tích: “Trong công cuộc đổi mới GD thì vai trò của nhà giáo quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới.
GD muốn phát triển thì vai trò của người thầy rất quan trọng.
Do đó khi sửa luật cần nhấn mạnh đến đời sống tinh thần, thể hiện vai trò tôn sư trọng đạo là truyền thống của đất nước.
Vấn đề thứ 2 là vật chất bởi trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, lương của giáo viên mầm non đang ở mức rất thấp, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; mặc dù, Chính phủ rất quan tâm tới họ.
Nghề giáo đang là nghề nguy hiểm, từ sức ép của phụ huynh, sức ép từ sự đổi mới. Do đó nhiều giáo viên mong muốn đổi mới nhất của ngành GD là “năm nay không có đổi mới gì”.