Thận trọng khi làm đẹp cho răng
Mới đây, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Cantral Park TP Hồ Chí Minh đã phải tháo 12 viên đá kim cương trước đó một cô gái đã đính vào hàm răng của mình, tại một spa. Bởi lẽ, một tuần sau khi đính đá, môi cô bị lở cùng với những biến chứng xấu khác.
Quy trình gắn đá vào răng được quảng cáo rộng rãi trên mạng, nhằm thu hút các cô gái trẻ.
Tai hại khi gắn đá vào răng
Các bác sĩ cho biết, khi vào chữa trị, hai hàm răng cô gái không thể cắn khớp lại được, nhai khó khăn do các viên đá cộm trong miệng. Ngoài việc quá nhiều đá đính vào răng thì lỗi còn do nhân viên spa đính không đúng vị trí.
Theo các bác sĩ nha khoa, đính đá vào răng với hy vọng làm đẹp thì chỉ đính được ở răng số 4. Bác sĩ phải khoan một lỗ xuyên qua men răng để gắn vào.
Nhưng hoàn toàn viên đá có thể rơi theo thức ăn vào bụng.
Thời gian gắn một viên đá vào khoảng 15-20 phút, giá mỗi viên đá từ 600.000 đến 700.000 đồng. Trong khi đó, đá giá rẻ chỉ có giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/viên.
Về nguyên tắc, viên đá được đính vào răng là loại đá quý, nhưng để thu lợi lớn các cơ sở spa thường dùng loại đá rẻ tiền, xỉn màu nhanh và có khả năng tác động xấu tới răng khi viên đá kém chất lượng đó tiếp xúc với nước bọt trong miệng dễ hình thành các chất gây hại cơ thể.
Tới nay, trao lưu gắn đá quý vào răng để làm đẹp khá rầm rộ, đặc biệt tại TP HCM và Hà Nội, có nhiều cô gái làm đẹp theo kiểu này. Không ít người trẻ coi đó là sự sành điệu, để “nụ cười thêm duyên dáng và đời thêm tươi sáng”.
Vì thế, có cô gái không chỉ gắn 1 viên mà vài ba viên, còn trường hợp gắn tới 12 viên đá như cô gái phải đi nạy ra nói ở trên là hy hữu.
Theo BS Trần Thu Hà (Khoa Răng hàm mặt BV Bạch Mai), trong nha khoa có hai cách gắn đá vào răng.
Cách thứ nhất là gắn đá nha khoa. Nha sĩ chỉ làm sạch bề mặt răng rồi dán đá lên răng bằng keo. Kỹ thuật này đơn giản, hầu như không ảnh hưởng đến răng thật.
Cách thứ hai là gắn đá tự nhiên, thì phải khoan vào răng một lỗ vừa đủ cho chân viên đá gắn vào. Nếu kỹ thuật khoan không đảm bảo sẽ khiến răng ê buốt.
Việc gắn đá lên răng cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc răng. Khi đá bị bong ra lỗ răng bị khoan phải được hàn lại.
Đáng chú ý, nhiều cô gái mua đá ở các cửa hàng vàng rồi đến các trung tâm thẩm mỹ thuê gắn đá lên răng, với chi phí khoảng 100.000 đồng/lần.
Do giá khá rẻ nên nhiều cô gái có khả năng làm được, chính vì thế số người gắn đá vào răng có xu hướng tăng lên, bất chấp hậu quả.
BS Thanh Hà (Khoa phục hình BV Răng hàm mặt Hà Nội) cho biết, việc gắn đá vào răng cũng có tác động nhất định cả hai hàm răng.
Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận nhiều cơ sở làm đẹp đã giao công việc này cho các nhân viên không được đào tạo, trong khi trang thiết bị máy móc lại thiếu, nên chất lượng gắn đá vào răng không đảm bảo.
Trong trường hợp đó, người gắn đá vào răng sẽ rất khó nhai, đá hay bị bong, và việc mài, giũa răng để gắn đá có thể gây tê buốt mỗi khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh.
Làm trắng răng- không đơn giản
Làm trắng răng là nhu cầu có thật ở nhiều người, cả nam lẫn nữ, nhất là với giới trẻ. Một hàm răng trắng bóng khiến người ta tự tin hơn và nụ cười vì thế cũng rạng ngời hơn.
Cũng chính vì thế mà không ít người tìm tới các cơ sở làm trắng răng, nhất là chấp nhận phương pháp tẩy trắng răng siêu tốc, bất chấp những nguy hại mà nó có thể gây ra.
Có trường hợp chị Th., nhân viên ngân hàng, nghe bạn bè mách phương pháp tẩy trắng bằng công nghệ chiếu plasma rất nhanh và hiệu quả.
Khi đến trung tâm làm đẹp, bác sĩ cho biết do lớp men răng của chị Th. dày nên phải dùng máng ngậm tại nhà một tuần, để chất tẩy trắng có khả năng ngấm sâu vào thì lớp men răng mới trắng được.
Do đã quyết tâm tẩy trắng răng rồi nên chị cũng thực hiện ngậm máng nhựa, nhưng chỉ sau 2 ngày cảm thấy răng bị ê buốt, nướu cũng sưng đỏ lên, cảm giác bị bỏng rát.
Giác mộng hàm răng siêu trắng với phương pháp tẩy siêu tốc tan thành mây khói, trong khi hàm răng của chị Th. bị ảnh hưởng xấu, khuôn mặt biến dạng trong một thời gian.
Để đáp ứng nhu cầu, trên thị trường hiện có khá nhiều loại thuốc tẩy trắng răng với nhiều mẫu mã, chủng loại, xuất xứ được bày bán ở các hiệu thuốc, kể cả ở... chợ, giá dao động từ 50.000 đến 1 triệu đồng.
Dẫu thế thì dù giá đắt hay rẻ cũng không ai kiểm chứng được giá trị thật cùng độ an toàn, cũng như nếu không may bị tại nạn thì cũng không thể bắt đền được ai.
Do không nhất thiết phải đến bác sĩ nên các loại thuốc tẩy trắng răng được mua bán dễ dàng. Nhiều người mua về nhà, tự mình ngậm để tẩy răng.
Với loại thuốc giá rẻ thì luôn có nhiều độc tính, nó không chỉ bào mòn men răng mà còn gây ra những bệnh khác cho khoang miệng.
Theo các bác sĩ nha khoa, không phải ai cũng có thể thực hiện tẩy trắng răng.
Có thể tẩy trắng răng chỉ khi răng không bị hư tổn hoặc không có những mảng bám lớn. Những trường hợp bị mòn cổ răng, răng bị rạn do ăn uống đồ nóng, uống nước lạnh thường xuyên hay do răng bị thiếu sản men thì không nên tẩy trắng răng vì dễ bị viêm tủy.
Những trường hợp không nên tẩy trắng răng là trẻ dưới tuổi vị thành niên, người mắc bệnh tiểu đường, người có chứng bệnh thần kinh, phụ nữ có thai và đang cho con bú…