Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi
Chiều 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VOV.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, cảng đã được Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch trở thành Cảng hàng không quốc nội cấp 4E. Đến nay tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn, ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư để sớm triển khai ngay trong năm nay. Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng đầu tư Dự án Đường ven biển quốc gia đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận; kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định 1546 của Thủ tướng năm 2013 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định 645 của Thủ tướng năm 2014. Theo đó, tỉnh kiến nghị đưa một số khu vực ven biển có thế mạnh phát triển du lịch ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bình Thuận là tỉnh giàu tiềm năng phát triển với bờ biển dài thuận lợi phát triển du lịch và tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, Bình Thuận vẫn là tỉnh nghèo. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận cần sơ kết giữa nhiệm kỳ để kiểm điểm đánh giá việc phát triển của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của Đảng bộ trong Đại hội vừa qua và góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu phải bám vào các mục tiêu chiến lược để phát triển, trung tâm du lịch, trung tâm chế biến khoáng sản, trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến titan, trung tâm du lịch biển.
Cũng trong chiều 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi.
Mặc dù là tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương 12%, tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, có 5 huyện nghèo 30a, một huyện đảo, 85 xã miền núi, 19 xã bãi ngang ven biển, 50 xã đặc biệt khó khăn. Điều kiện về kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn.
Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi có hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm.
Để ngành lọc hóa dầu và năng lượng khí điện thực sự trở thành ngành ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung định hướng phát triển Khu Kinh tế Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia vào các quy hoạch nhánh của quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, phát triển điện lực, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội. Song, Thủ tướng cũng nhìn nhận, mặc dù là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng Quảng Ngãi vẫn còn nghèo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất đưa Khu Kinh tế Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia; triển khai Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để nâng cao công suất Nhà máy.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhanh, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi tăng cường nâng cấp hạ tầng cơ sở, nhất là sân bay, cảng biển, khơi thông đồng bộ hạ tầng huyết mạch quốc gia để kích thích phát triển sản xuất. Trong quá trình phát triển, tỉnh cần chú ý đến các huyện miền núi, các xã nghèo diện 30a vẫn còn nhiều khó khăn để có chính sách hợp lý. Đặc biệt, tỉnh cần bảo vệ, giữ gìn tốt Đảo Lý Sơn và thực hiện nghiêm quy hoạch để Lý Sơn trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư.