Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật của nhiếp ảnh gia Nick Út
Chiều 1/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út.
Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Khánh Huyền.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh “Nhiếp ảnh gia Nick Út là phóng viên chiến trường nổi tiếng có mặt tại Việt Nam. Bức ảnh “Em bé Napalm” thể hiện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của nhiếp ảnh gia Nick Út. Tác giả đã chụp bức ảnh vào thời khắc lịch sử và chứng kiến giây phút khủng khiếp của chiến tranh”.
Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi tôi cũng được biết, sau khi chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, thay vì về ngay tòa soạn để kịp gửi ảnh, ông đã bỏ máy ảnh chạy tới giúp cô bé rồi đưa cô bé đi bệnh viện và cô đã được cứu sống.
Năm đó ông 21 tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng đó chính là tình người, là trái tim nhân văn mà một nhà báo chân chính phải mang trong mình. Bức ảnh đã tạo dấu ấn lịch sử, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh để chống lại chiến tranh và nói lên khát vọng hòa bình của con người.
“Trong số những hiện vật mà nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng Bảo tàng có những bức ảnh chưa từng được công bố, đó là món quà quý giá mà tác giả dành cho Bảo tàng báo chí Việt Nam” nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Nhiếp ảnh gia Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951, tại Long An, là người Mỹ gốc Việt. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu được nhận vào làm việc cho Hãng tin Associated Press (AP).
Ông là tác giả của bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom Napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972. Vào khoảnh khắc lịch sử đó, em bé Kim Phúc mới 9 tuổi. Đây là bức ảnh đã làm thay đổi cuộc đời ông và Kim Phúc đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam…
Bức ảnh “Em bé Napalm” ngay sau đó đã được đăng trên trang nhất rất nhiều tờ báo lớn và được nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới coi đây là một tác phẩm ảnh báo chí hoàn hảo về đề tài chiến tranh. Năm 1973, bức ảnh này đã đạt giải Pulitzer-giải thưởng danh giá của Mỹ.
Tại buổi lễ, nhiếp ảnh gia Nick Út đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 chiếc máy ảnh, 52 tài liệu ảnh gốc do ông chụp tại chiến trường Việt Nam và một số bức ảnh tác giả đã chụp tại Việt Nam sau năm 1975.