Quay cuồng thần tượng
Thần tượng người nổi tiếng là việc hết sức bình thường, có ý nghĩa tích cực với mỗi cá nhân và cộng đồng. Giới trẻ còn có thêm động lực học tập, phấn đấu, cuộc sống thêm giàu ý nghĩa từ những người mình yêu mến. Dù vậy, những người trẻ nên thần tượng một cách chọn lọc, có bản lĩnh chứ đừng a dua theo phong trào để tạo nên những hiệu ứng xấu trong xã hội.
Sơn Tùng MT-P trong vòng vây người hâm mộ.
Không hiểu gì, vẫn nghe
Gần đây, có một sự kiện khiến nhiều người sửng sốt là chỉ sau đúng một ngày phát hành, MV “Chạy ngay đi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cán mốc 22 triệu view. Sản phẩm lọt top 15 MV được xem nhiều nhất mọi thời đại trong 24 giờ trên YouTube. Cũng giống như những bài hát, MV ca nhạc “Lạc trôi”, “Không phải dạng vừa đâu”, “Người lạ ơi”, “Vợ người ta” của Sơn Tùng M-TP và các ca sĩ trẻ gần đây, ngay sau khi ra đời, các tác phẩm này đã thâm nhập vào đời sống xã hội. Đó cũng là điều hết sức bình thường khi mọi người chứng tỏ sự cập nhật và thức thời của mình, làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ và giải trí trong cuộc sống. Điều khiến người ta thắc mắc là không hiểu những bài hát, những MV đó có gì mà “hot” đến vậy?
Một số fan trung thành của Sơn Tùng cũng thừa nhận rằng nghe đi nghe lại MV “Chạy ngay đi” nhiều lần mà vẫn… không hiểu Sơn Tùng M-TP hát gì. Bởi không hiểu nên cứ phải nghe đi nghe lại. Trớ trêu hơn, nhiều người còn “đòi” MV phải có… phụ đề tiếng Việt! Đến khi lời của bài hát trong MV được đưa lên mạng thì mọi người mới gật gù “à ra thế”. Vậy thì lí do gì khiến những bài hát tương tự như vậy cứ nổi tiếng ầm ầm trong khi những nghệ sĩ học hành một cách bài bản, hát đúng tiêu chuẩn “tròn vành rõ chữ” thì lại không tạo được những hiệu ứng lan truyền, bùng nổ trong xã hội đến vậy?
Chỉ có thể lí giải một điều, đó là do lượng fan hùng hậu của Sơn Tùng. Những bạn trẻ thần tượng ca sĩ gốc Thái Bình này là nền tảng vững chắc cho việc nhất cử nhất động của Sơn Tùng đều có thể “gây bão”. Với MV “Chạy ngay đi”, nhiều fan của Sơn Tùng MT-P đã thức trắng đêm để “cày view” cho thần tượng của mình. Trên nhiều diễn đàn, các fan của Sơn Tùng liên tục kêu gọi cày view cho MV này. Đặc biệt là cộng đồng Sky (tên fanclub của Sơn Tùng). Và người ta được chứng kiến hiện tưởng “ảo tung chảo” trong thế giới “triệu view”. Đó là chuyện một fan cùng lúc mở 4, 5 thậm chí hàng chục thiết bị điện tử để nghe đi nghe lại MV “Chạy ngay đi”. Thậm chí, có fan còn cài đặt phần mềm để làm sao có thể nghe MV nhanh nhất.
Tất nhiên một MV ca nhạc tích hợp nhiều yếu tố, từ quay phim, dàn dựng, ý tưởng, ekip thực hiện, diễn viên và lời bài hát chỉ là một trong những điều để tạo “hot” cho MV. Một nghệ sĩ trẻ Việt Nam làm được điều vượt xa cả những sản phẩm đình đám của các sao quốc tế như Miley Cyrus, Taylor Swift, Dady Yankee, Ed Sheeran… là điều đáng mừng cho nhạc Việt. Song với việc người nghe vì quá trông đợi, quá nóng lòng trước sản phẩm mới mà thần tượng của mình tung ra đến mức “bất chấp tất cả”, bỏ qua những điều còn khuyết thiếu của MV thì xem ra sự thần tượng này có vẻ như hơi quá đà.
Đừng “sống ảo”
Bởi lẽ, với bất cứ loại hình nghệ thuật nào, nghe, xem thôi chưa đủ mà còn phải mang đến sự hiểu. Nếu không hiểu thì tác phẩm đó mới chỉ dừng lại ở việc tác động đến các giác quan bên ngoài chứ không chạm được sâu vào cảm xúc trong tâm hồn. Nếu cứ chỉ nhăm nhăm cảm thụ âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật hay mọi thứ từ đời sống như vậy giới trẻ sẽ dần có lối sống hời hợt, “sống ảo”. Điều đó lí giải tại sao ngày nay có rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nhạc sĩ… không có đóng góp gì xuất sắc mà lại có lượng người hâm mộ khổng lồ. Chẳng hạn cô người mẫu có thân hình xương xẩu và giọng nói khàn đặc chẳng rõ cống hiến gì cho làng thời trang nhưng… chửi thì chúa giỏi. Vừa livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội vừa ăn nhem nhẻm vừa chửi lem lẻm mà lần nào lượng người theo dõi và tương tác cũng đông đảo rầm rộ.
Không chỉ theo dõi, thích mà rất nhiều bạn trẻ còn bình luận, thậm chí tung hô rất phản cảm. Đâu phải ai cũng nghe hay xem “một lần cho biết”, sự cổ vũ nhiệt tình hay nói cách khác, sự thần tượng một cách mù quáng của người hâm mộ đã góp phần tạo nên những “vĩ nhân” lệch lạc ấy.
Thần tượng một nhà văn, một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh, một nhà khoa học, một thiên tài nào đó xuất phát từ tâm lí ngưỡng mộ những thành công, đóng góp của họ cho xã hội loài người. Với giới trẻ đối tượng được thần tượng nhiều nhất là ca sĩ, diễn viên cũng là điều dễ hiểu. Bởi với đặc trưng của âm nhạc, điện ảnh dễ đi trực tiếp vào lòng người, sự sôi động và hào nhoáng của showbiz luôn bắt mắt, lọt tai người xem, người nghe. Dù vậy, xu hướng thần tượng này rất dễ “lây lan”, tạo hiệu ứng đám đông và thường gây nên những hiện tượng xã hội tiêu cực.
Suốt thời gian qua, nhiều sự việc khiến các bậc phụ huynh và xã hội đau đầu vì biểu hiện “fan cuồng” của các bạn trẻ. Điển hình là một cô gái trẻ dám chửi bố mẹ với lời lẽ thậm tệ: “Ông bà là cái *** gì mà bắt tôi học hả, ông bà chỉ sinh ra tôi thôi chứ chẳng có công lao gì cả, còn xé ảnh T-ara nữa. Biết bức ảnh đó quý giá như thế nào không mà xé hả” chỉ vì “động chạm” tới nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc mà cô hâm mộ. Rồi khi cả thế giới đau lòng trước máy bay MH370 mất tích, một fan Kpop bình luận: “Chỉ có mỗi cái máy bay rơi thôi mà cũng làm rần rần, chừng nào máy bay của SNSD (tên một ban nhạc Hàn Quốc) đi tui mới quan tâm lo lắng”… Tất cả thể hiện sự vô cảm với cuộc sống thực và tôn vinh thần tượng của mình lên thành trung tâm của cuộc sống.
Thần tượng có tác dụng tốt, chỉ có điều thần tượng ai và thần tượng đến mức như thế nào. Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Kim Quý cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến nhiều teen cuồng thần tượng tới mức “bệnh” là các em chưa tìm đúng con đường đi cho mình, cộng với sự tác động từ môi trường sống và giáo dục gia đình. Nên chăng, gia đình, nhà trường và các chuyên gia tâm lí, những nhà xã hội học nên bắt tay nhau để cùng tổ chức những buổi ngoại khóa định hướng cho giới trẻ thần tượng một cách lành mạnh, chọn lọc. Với những bạn ngồi trên ghế nhà trường nên lấy các tấm gương hiếu học, các nhà khoa học, các nhà phát kiến vĩ đại để hâm mộ và học tập thì sẽ phù hợp hơn với lứa tuổi của mình. Làm sao để cân bằng giữa “thần tượng giải trí” và “thần tượng trí thức”, đó mới là cách để bạn trẻ phát triển tâm lí một cách hài hòa và sống có ích với bản thân và xã hội.