Nguyễn Cường - Tùng Dương: Song kiếm hợp… album

Hoàng Thu Phố 03/06/2018 09:30

Hai cá tính âm nhạc vừa kết hợp ra một album độc đáo “Tùng Dương hát Nguyễn Cường”. Ít tuyên ngôn, nhưng mỗi năm, ca sĩ Tùng Dương đều để lại một dấu ấn âm nhạc trong sự nghiệp ca hát của mình. Chí ít là vậy. Còn nói rộng ra, mỗi sản phẩm âm nhạc của Tùng Dương trong những năm tháng này, ít nhiều đã góp phần làm cho âm nhạc Việt thêm sắc thái mới.

Nguyễn Cường - Tùng Dương: Song kiếm hợp… album

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Tùng Dương.

Tùng Dương nói, phải mất hơn 2 năm chuẩn bị album “Tùng Dương hát Nguyễn Cường” mới hoàn thành. Trong đó, có những bài phải thu đi thu lại nhiều lần. “Không có bài nào là không vật vã. Vì không vật vã không ra Nguyễn Cường” -Tùng Dương dí dỏm, và khẳng định: Hát nhạc của Nguyễn Cường là phải học nhiều lắm. Âm nhạc của Nguyễn Cường rất dương tính, tĩnh trong động, động trong tĩnh. Khi hát bất cứ ca khúc của ai, Tùng Dương đều đọc rất nhiều về nhạc sĩ đó, kể cả những góc khuất để tìm ra “mật mã” tiếp cận riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tự nhận, ông sáng tác nhiều, nhưng nhiều bài còn để trong ngăn kéo. Và những bài như thế, ông chưa coi đó là tác phẩm. Với Nguyễn Cường, chỉ khi văn bản ca khúc được hòa âm - phối khí, được ca sĩ hát lên, thì đó mới thành tác phẩm. Nguyễn Cường cũng tự nhận, trong sáng tác ông có 2 mảng chính, đó là những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên và những ca khúc mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ.

“Mảng” Tây Nguyên thì đã được nhiều người biết qua tiếng hát của Y Moan và Siu Black. Hai giọng ca Tây Nguyên đó với Nguyễn Cưởng, là giọng hát tri kỷ. Trong khi đó, mảng đồng bằng Bắc Bộ thì nhiều bài vẫn còn nằm trong ngăn kéo. Phải 35 năm sau, ông mới gặp được tri kỷ mới, đó chính là ca sĩ Tùng Dương. “Tôi từng nghe Tùng Dương hát “Nét ca trù ngày xuân”, “Mái đình làng biển”, nhưng đến khi Dương mời nghe hát “Hò biển” thì tôi đã giật mình và nghĩ: Đây mới đúng là giọng hát mà mình tìm kiếm cho dành cho những tác phẩm mang chất liệu âm nhạc vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Và album “Tùng Dương hát Nguyễn Cường” ra đời, với 10 ca khúc mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ. “Ở album này, bài nào tôi thích và Tùng Dương thích thì mới đưa vào, chứ không theo chủ đề nào cả”- nhạc sĩ Nguyễn Cường nói, đồng thời chia sẻ rằng ông không sợ ca sĩ làm mới hay phá nát ca khúc của mình. Vì mỗi ca sĩ có sự sáng tạo riêng. Thậm chí ông thấy thích thú và phải cảm ơn ca sĩ khi có một số người đã chủ động bớt một số câu chữ trong bản nhạc ông đã viết. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, hát nhạc của ông cần phải có một năng lượng rất lớn.

“Nếu không có năng lượng thì không thể hát được, kể cả những phần rất nhỏ, hay lúc to, lúc nhỏ cũng đều cần phải có một năng lượng sáng tạo, vì mỗi câu hát là một sự chắt chiu cảm xúc. Tôi muốn đặt đến tận cùng của cảm xúc, bằng việc vận dụng chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nên người hát phải có một năng lượng tương xứng thì mới có thể lột tả được hết ý đồ của tác giả”- nhạc sĩ nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng, âm nhạc của ông không phải thể loại dành cho giải trí. Nó kén người hát, kén cả người nghe và trước đó, kén người phối khí. Ở tuổi 75, ông mới có album đầu tay, đó như là một cái duyên. Nhạc sĩ thẳng thắn: “Nếu không có Tùng Dương, những tác phẩm mang chất liệu dân ca và nghệ thuật truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ của tôi sẽ không thể đến, hoặc đã đến với công chúng nhưng không được trọn vẹn. Ví như bài “Nét ca trù ngày xuân” có nhiều nghệ sĩ biểu diễn suốt 38 năm qua nhưng đến bây giờ, qua giọng hát Tùng Dương, tôi mới thực sự cảm nhận rõ hình hài đứa con tinh thần mà mình mong muốn. Hay như bài “Bi ca Trọng Thủy” số phận của nó cũng như hàng trăm tác phẩm khác của tôi nằm trong ngăn tủ mà tôi coi đó là những tư liệu. Hoặc với “Đàn cầm dây vũ dây văn”, Tùng Dương đã quyết định cho mình một cách thể hiện độc đáo mà chính nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng không hề nghĩ tới…

Với album đầu tay của Nguyễn Cường, không chỉ Tùng Dương hát không nhận đồng catse nào, các nhạc sĩ phối khí như Thanh Phương, Lưu Hà An, Huy Sơn, Minh Đạo… cũng chỉ lấy một chút thù lao tượng trưng. Phong cách rock được chọn để hòa âm cho các bài hát cũng rất đa dạng, người nghe sẽ thấy rock qua nhiều thời kỳ, nhiều trào lưu khác nhau, nhưng nổi lên là tinh thần fusion (pha trộn) độc đáo nhiều dòng nhạc với màu sắc rất khác biệt, đó là dân ca Việt Nam, rock phương Tây, chất giao hưởng cổ điển và chất acoustic mộc mạc. Vậy là, nhạc sĩ Nguyễn Cường có được một đĩa nhạc tác giả đúng chất của mình nhất: mạnh mẽ mà vẫn mềm mại, dữ dội mà vẫn trữ tình. Còn Tùng Dương, anh đã phát triển phong cách fusion của mình đến một đỉnh cao mới mở đường cho những sáng tạo tiếp nối.

Nhiều người hỏi tôi rằng có ca sĩ nào đặt hàng tôi không. Nói thật, ca sĩ lấy cái gì ra để đặt hàng tôi? Chỉ có đời sống mới đặt hàng được tôi. Mà chẳng cần đặt hàng tôi cũng viết. Chỉ cần khiến tôi có cảm hứng và dồn được năng lượng, sự tập trung vào đó là tôi sẽ viết. Nếu nơi đó không có gì, thì cỡ nào tôi cũng không viết. Nói chung, tiền với nghệ sĩ quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Hoàng Thu Phố