Vượt rào cản
Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu thủy sản đạt được kết quả ấn tượng, đóng góp không nhỏ vào GDP quốc gia.
Năm 2017, xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Đóng góp lớn nhất là mặt hàng tôm, các tra, tiếp đó là cá ngừ, mực... Năm 2018, cùng với sự phát triển nhanh chóng từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến và sự nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, vì vậy dự kiến thủy sản không chỉ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD mà ngành này đang được kỳ vọng tạo nên cột mốc mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, ngành thủy sản đang phải đối diện khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây thủy sản xuất khẩu liên tục bị vướng ở các thị trường. Tại thị trường Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao thị trường xuất khẩu mang tính cao cấp, thế nhưng cá tra vẫn tăng trưởng dương. Mặc dù thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ tăng trưởng tốt song hàng loạt rào cản thương mại và chương trình thanh tra cá da trơn được áp dụng khiến nhiều doanh nghiệp buông bỏ thị trường.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), đầu năm 2018 có khoảng 14 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ nay còn dưới mức 3 DN. Đây là con số đáng báo động. Cũng tại thị trường này, tôm Việt chính thức nằm trong danh sách hàng hóa thuộc chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ. Kết quả, thị phần tôm của Việt Nam giảm thêm 1,2%, xuống còn 6,8% trong 3 tháng đầu năm. Ở thị trường EU, thủy sản xuất khẩu Việt Nam bị sốc khi vướng phải thẻ vàng, cho nên 100% lô hàng Việt Nam sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Hệ lụy của thẻ vàng của EU vô hình chung làm tăng chi phí và thời gian của DN. Đặc biệt, đến thời điểm này xuất khẩu vào EU ghi nhận tình trạng chững lại. Tương tự, ngay cả thị trường truyền thống xuất khẩu lớn về tôm sú như Trung Quốc, vượt thị trường EU về xuất khẩu cá tra cũng đang gặp khó. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu qua đường bộ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vấn đề đặt ra hiện nay, xu hướng bảo hộ tại các thị trường thông qua hàng loạt rào cản buộc doanh nghiệp phải nắm bắt rõ hệ thống pháp luật đối với hàng nhập khẩu. Đáp ứng toàn diện về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản thông qua chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu. Song song các giải pháp trên, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chủ nghĩa bảo hộ, DN Việt Nam cần liên kết, hợp tác với các DN bản địa các nước nhằm đáp ứng được các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật.