Gỡ khó xây dựng nông thôn mới
Mong muốn của các xã có trong danh sách cán đích nông thôn mới năm 2018 của tỉnh Bắc Kạn là được thường xuyên tăng cường sự phối hợp, cụ thể là các sở, ngành liên quan đến các tiêu chí để có những giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Làm đường giao thông nội đồng tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Giáo Hiệu, Bộc Bố, huyện Pác Nặm; Hà Hiệu, huyện Ba Bể; Đông Viên, huyện Chợ Đồn; Bình Văn, huyện Chợ Mới; Vân Tùng, huyện Ngân Sơn; Tân Tiến, huyện Bạch Thông; Hảo Nghĩa, huyện Na Rỳ. Tuy nhiên, qua thẩm định của tỉnh mới đây cho thấy tiến độ chuyển biến còn chậm, cần có giải pháp và sự chủ động tích cực hơn để đạt mục tiêu đề ra.
Mới đây đoàn thẩm định của tỉnh Bắc Kạn đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện ở các địa phương cho thấy, phần lớn đều gặp khó khăn và chuyển biến chậm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ở tiêu chí môi trường, đặc biệt là đối với các thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số việc xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi, dịch chuyển chuồng trại xa nhà theo quy định... chưa có nhiều chuyển biến. Đối với tiêu chí thu nhập, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa xác định được cây trồng chủ lực, khó khăn trong việc thành lập được hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí được địa phương đánh giá là đạt nhưng khi cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế thì chưa đạt hoặc mới chỉ tạm đạt, tức là không bền vững.
Như ở xã Giáo Hiệu , huyện Pác Nặm, chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay, toàn xã có mức thu nhập bình quân là hơn 19,5 triệu đồng/người/năm, như vậy còn cách khá xa so với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm theo bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020. Trong khi đó, hiện nay, sản phẩm nông, lâm nghiệp của địa phương sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.
Tương tự, ở xã Vân Tùng (Ngân Sơn), tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; nâng cao mức thu nhập, hộ nghèo thoát nghèo bền vững còn khó khăn đối với các thôn vùng cao. Mức thu nhập bình quân đạt hơn 27,7 triệu đồng/người/năm, nhưng nhiều thôn còn khó khăn như Nà Lạn, Nà Bốc, Nà Pài, Nà Ké...
Rút kinh nghiệm từ hạn chế của các địa phương khác, thời điểm này sự đồng thuận của bà con nhân dân xã Đông Viên đang phải chạy đua nước rút để về đích nông thôn mới.
Theo Trưởng thôn Làng Sen Nguyễn Phúc Huế, sau khi biết được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa của thôn với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con ai cũng phấn khởi. Khi thôn tổ chức họp bàn, thống nhất hình thức đóng góp của dân mọi người đều tích cực góp ý và đồng thuận cao.
Thôn Làng Sen có 67 hộ dân, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thôn còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Được tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực phát triển kinh tế; các hộ, nhóm hộ xây dựng lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh chung, sạch đường làng, ngõ xóm.
Khi được triển khai làm nhà văn hóa, thôn đã tổ chức họp bàn và thống nhất cao sẽ đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng để xây dựng và mua sắm các thiết bị cần thiết. Từ sự đồng thuận đó, nhà văn hóa của thôn nhanh chóng được khởi công, hiện đang trong quá trình hoàn thiện.
Gỡ khó trên hành trình về đích nông thôn mới, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn Triệu Văn Học, điều quan trọng nhất chính là tập hợp được sức mạnh của người dân, một khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng sẽ thành công. Cùng với đó, Mặt trận phải tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức được tham gia xây dựng nông thôn mới chính là giúp cho mình, giúp cho làng bản có cuộc sống tốt đẹp hơn.