Khi các hãng gọi xe lớn chia nhau thị phần

T.Hằng 06/06/2018 08:00

Mới đây, GoJek- ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Như vậy, sau khoảng trống Uber rời khỏi Việt Nam, sự xuất hiện dự kiến trong tương lai của GoJek nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Người tiêu dùng được gì?

Khi các hãng gọi xe lớn chia nhau thị phần

Việc xác định đầu tư tại thị trường Việt Nam, Hãng gọi xe GoJek, ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia quyết phân chia lại thị phần taxi tại Việt Nam. Rõ ràng, người tiêu dùng thêm một lần nữa có thêm lựa chọn trong việc đi lại, nhưng cùng đó vấn có nhiều việc cần được nhận diện.

Đối thủ mới

GoJek - ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới. Như vậy, sau khoảng trống Uber rời khỏi Việt Nam, sự xuất hiện dự kiến trong tương lai của GoJek nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Thị trường gọi xe bằng công nghệ ở Việt Nam hiện nay chỉ có mỗi Grab, sau khi Grab thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào hồi đầu tháng 3 vừa qua. Và điều người tiêu dùng nhận thấy là, các hình thức khuyến mãi đang bị Grab cắt giảm dần trong khi mức giá mà Grab đưa ra cũng không hề mềm như xưa.

Khách hàng N.H.T ở khu tập thể hồ Giảng Võ (Hà Nội) đưa ra dẫn chứng rằng, trước đây khi quãng đường đi từ nhà tới chỗ làm ở ngõ 131 Thái Hà chỉ 25.000 đồng/ lượt, nhưng hơn 1 tháng nay đã lên 30.000 đồng/ lượt. Tính ra, mức giá đã tăng khoảng 25%. Điều mà chị N.H.T nói cũng khá tương đồng với nhận định của nhiều người khi mà các mã giảm giá liên tục được báo: “Số lượng chuyến đi khuyến mãi đã hết”.

Thế nên, phần lớn người tiêu dùng tỏ ra khá hào hứng với thông tin Go Jek sẽ bước vào Việt Nam khi GoJek đã có tiếng tăm vì xây dựng thành công nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau như Go-Ride và Go-Car tương tự như Grab tại Việt Nam, Go-Food (giao đồ ăn nhanh), Go-Send (dịch vụ giao hàng), Go-Mark (dịch vụ mua sắm tạp hóa), Go-Box (dịch vụ đặt xe bán tải, xe tải…), Go-Tix (dịch vụ mua vé cho các dịch vụ giải trí), Go-Med (khách hàng có thể mua thuốc hoặc tư vấn, gọi bác sĩ đến khám tại nhà), Go-Life (ứng dụng riêng biệt, cung cấp các dịch vụ như massage, vệ sinh, ô tô và làm đẹp bất cứ khi nào khách hàng cần), Go-Pay (dịch vụ thanh toán).

Còn với Grab, mới dừng lại ở 8 dịch vụ: GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabShare (đi xe chung), JustGrab (đi taxi/xe hơi), GrabExpress (giao hàng), GrabFood, GrabPay. Chưa kể, sau khi Uber sáp nhập với Grab tại Việt Nam, theo điều tra sơ bộ của Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có dấu hiệu vi phạm trong thương vụ này. Kết quả cho thấy, việc sáp nhập giữa Grab và Uber có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Như vậy, có thể mường tượng được rằng, GoJek không những cạnh tranh trực tiếp với Grab mà còn đáng gờm đối với xe ôm/ taxi truyền thống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động vận tải ứng dụng công nghệ thông tin được nhiều người ủng hộ với ưu điểm công khai về giá, và phần dịch vụ phục khách hàng cũng chuyên nghiệp hơn taxi/ xe ôm truyền thống. Nếu không muốn nằm ở hai chiến tuyến khác nhau, bản thân các hãng xe taxi/ xe ôm truyền thống phải tự thay đổi bằng cách đưa công nghệ vào vận hành.

Quản lý sao cho công bằng

Thực tế đến nay cuộc chiến của taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ biết rằng, Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 với yêu cầu nên tạo được một sân chơi bình đẳng, đúng nguyên tắc thị trường, nâng cao được tính công khai, minh bạch của hoạt động vận tải hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng phải tiếp thu được thành tựu công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Nên điều chỉnh luật pháp để phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin chứ không nên áp đặt.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu cũng từng nói: Không nên hạn chế phương thức kinh doanh mới bởi như vậy là cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật. Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh.

Theo ông Hiếu, tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. “Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả”.

Nằm trong xu thế chung, ứng dụng khoa học công nghệ đang được vận hành nhiều trong kinh doanh loại hình vận tải, sự phát triển của các loại hình dịch vụ taxi công nghệ mở thêm cơ hội cho người tiêu dùng, thị trường vận tải chắc chắn cũng sẽ được vẽ lại song từ đây cũng đặt ra cách thức từ cho các cơ quan quản lý, tức là cùng với việc tạo điều kiện cho loại hình này phát triển trong tình hình hiện nay thì cần thiết lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

T.Hằng