Cẩn trọng với rắn lục đuôi đỏ

Ngọc Hải 07/06/2018 09:00

Gần 1 tháng trở lại đây, tại ĐBSCL liên tục có các trường hợp phải nhập viện do rắn cắn. Tính từ đầu năm đến nay, BV Quân y 121 Sóc Trăng đã tiếp nhận gần 100 ca do bị rắn lục đuôi đỏ cắn, hầu hết bệnh nhân bị rắn lục tấn công vào các vị trí như ngón tay, chân.

Cẩn trọng với rắn lục đuôi đỏ

Rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện vào mùa mưa lũ.

Các bác sĩ cảnh báo, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến tử vong.

Nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Hiện ĐBSCL bắt đầu vào mùa mưa, đây cũng là mùa của các loài rắn sinh sôi, phát triển. Bởi khi mưa xuống, nước ngập, loại rắn này sẽ bò vào khu dân cư, cây cối quanh nhà, nên hầu hết người bị cắn là những người làm vườn không trang bị bảo hộ như ủng, găng tay…

Như trường hợp của nông dân Phan Phi Khanh ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, khi đang đi thăm đồng anh đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân. Người nhà đã nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện Quân y 121 cấp cứu điều trị kịp thời nên không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hay như trường hợp của ông Phan Văn Bé, nhà ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ trong lúc lấy củi ra phơi thì bị rắn lục nằm sẵn trong bó củi bò ra cắn vào ngón chỏ gây sưng nề và đau nhức dữ dội. Cũng may ông được người nhà phát hiện và nhanh chóng đưa đến bệnh viện Quân y 121 để cứu chữa kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

Đây là những trường hợp được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời nên đã không nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế đáng lo ngại là một số trường hợp do sơ cứu tại chỗ không đúng cách hoặc tìm thầy lang để chữa trị bằng thuốc đông y, đến khi bị nặng mới đưa vào cấp cứu gây khó khăn cho quá trình điều trị hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ cũng cho biết, nếu đắp thuốc nam tại vết cắn dễ gây nhiễm khuẩn. Nhiều loại thuốc nam dạng uống dễ gây nguy hiểm cho nạn nhân như gây co giật (vì có chứa mã tiền), đau bụng, nôn, tiêu chảy rất nặng, dẫn tới mất nước, mất muối, bị sốc hoặc tắc ruột vì táo bón…

Đa số, các trường hợp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn đều được chữa khỏi do đã có huyết thanh điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến có trường hợp bị hoại tử rất nguy hiểm.

Rắn lục đuôi đỏ có mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Đây là loài rắn có nọc độc chỉ xếp sau loài rắn hổ mang chúa. Điểm khác biệt là rắn lục đuôi đỏ không đẻ trứng mà đẻ ra rắn con, mỗi lứa đẻ từ 7-16 con. Trong mùa sinh sản, rắn cái rất hung dữ và có nọc độc nguy hiểm. Loại rắn này có nhiều nọc độc với hơn 20 thành phần khác nhau. Hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh.

Cách sơ cứu

Theo các bác sĩ, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến mất mạng. Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử.

Bởi vậy, khi nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu theo 3 bước sau đây:

Bước 1: Để nạn nhân nằm yên bất động, bởi vận động lúc này sẽ làm cho nọc độc xâm nhập nhanh vào cơ thể. Nếu trên người có đeo đồ trang sức gần vùng bị cắn thì phải nhanh tay cởi để tránh bị chèn ép, gây sưng nề.

Bước 2: Phải cố định chân hay tay bị rắn cắn bằng nẹp để tránh vận động. Không băng ép. Mục đích của sơ cứu là phải làm chậm tốc độ của nọc độc vào hệ tuần hoàn, nếu để nạn nhân vận động thì nọc độc sẽ xâm nhập vào cơ thể với tốc độ nhanh hơn, gây nguy hiểm cho nạn nhân. Sau đó sử dụng phương tiện vận chuyển an toàn nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa tiếp.

Bước 3: Trong quá trình vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế cần chú ý giữ cho nạn nhân nằm yên. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở thì cần làm hô hấp nhân tạo. Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vì truyền huyết thanh có hiệu quả nhất trong 4 giờ đầu sau khi bị rắn cắn.

Phòng rắn lục đuôi đỏ

Để phòng tránh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân cần thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn. Khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ. Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ.

Mọi người cảnh giác nếu đi ra ngoài sau các cơn mưa, khi có lũ lụt thì nên đi ủng, dày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối để tránh nguy hiểm khi giẫm phải rắn. Đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ, vì rắn lục đuôi đỏ thường treo mình trên cành cây, dễ tấn công người. Nếu đi trong bóng tối, đi ban đêm cần dùng đèn pin, đèn bão… để soi đường.

Nếu gặp rắn, không đe doạ rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn. Không đến gần các nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm…

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn hoặc nghi ngờ các loại rắn độc cắn, tuyệt đối không được ở nhà tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian mà phải khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra không chích rạch, giác hút, đắp lá... lên vết rắn cắn vì những kiểu xử lý vết thương do rắn cắn như thế này không có lợi mà còn có thể làm nặng thêm các tổn thương tại chỗ như hoại tử, chảy máu, nhiễm trùng.

Ngọc Hải