Chế định đặc biệt

Lê Anh Đức 07/06/2018 10:00

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị cần phải có quy trình đặc biệt trong việc xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, bởi theo ông thời gian qua thực trạng này diễn biến hết sức phức tạp, đáng lo ngại.

Chế định đặc biệt

Tranh minh họa.

Không lo ngại sao được khi mà có tới 8.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong vòng 4 năm (2013-2017) được đưa ra xét xử, trong đó có 549 vụ phải trả hồ sơ (chiếm 6%). Như vậy trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khá gay gắt về việc hiện có tới 17 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, song có vẻ như các cháu chưa thực sự được an toàn như mong đợi.

Điều đó được chứng minh bằng con số của Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra tại Quốc hội: Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, xảy ra 682 vụ xâm hại trẻ em, với 759 đối tượng và 735 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, số lượng xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%.

Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Tô Lâm thì hiện nay diễn biến của xâm hại tình dục trẻ em đang rất phức tạp. Đáng nói, không chỉ trẻ em gái mà ngay cả các trẻ em trai cũng bị xâm hại tình dục, không chỉ đối tượng người Việt Nam mà cả người nước ngoài vào Việt Nam cũng có hành vi phạm tội. Nguyên nhân của thực trạng trên không phải do hành lang pháp lý lỏng lẻo, mà bởi một số chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.

Một nguyên nhân khác của thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục khó kiểm soát là do việc tố giác tội phạm, trình báo xâm hại tình dục trẻ em chậm. Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân và gia đình thường giấu hoặc không hợp tác với CQĐT trong việc cung cấp chứng cứ vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý phát triển của trẻ. Vì thế có những trường hợp các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý. Mặt khác, công tác điều tra, thu thập chứng cứ loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lại cho rằng, trên thực tế loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đúng là nhạy cảm, các cơ quan chức năng có những khó khăn khách quan nhất định trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em, bởi dấu vết phạm tội sẽ mất dần theo thời gian. Song, cũng có những vụ việc mà nhà chức trách không hề tích cực giải quyết. Để chứng minh quan điểm của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lấy ví dụ vụ án ở Cà Mau, các cơ quan chức năng đã làm ngơ cho đến khi cháu bé bị xâm hại tự tử, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mới vào cuộc.

Người đứng đầu cơ quan tư pháp của Quốc hội còn đưa ra một minh chứng sinh động khác là vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi vì sao luật đã quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, cấp sơ thẩm tuyên án Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù mà cấp phúc thẩm lại giảm xuống còn 18 tháng án treo? Phải đến khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý kiến chỉ đạo thì các cơ quan chức năng mới “sửa lại” cho đúng. “Với những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?...” - bà Nga đặt vấn đề.

Tất nhiên là Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Viện trưởng KSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khó mà trả lời được câu hỏi khá hóc búa của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Song, Bộ trưởng Tô Lâm cũng hứa trước Quốc hội trong thời gian tới Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH, Bộ Giáo dục- Đào tạo và các tổ chức đoàn thể chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật, thực hiện những biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn, ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời sẽ tiếp tục chấn chỉnh lực lượng công an các cấp, điều tra viên... thực hiện tốt hơn nữa công tác xử lý tin tố giác tội phạm, kịp thời xử lý loại tội phạm này.

Để có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin, xử lý nhanh chóng các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, ngoài việc thiết lập đường dây nóng điện thoại, email tại nơi công cộng, nơi có nguy cơ cao xảy ra xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cũng mong muốn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đứng ra làm trọng tài giữa các cơ quan tố tụng để có một quy trình điều tra, xét xử đặc biệt.

Lý giải cho đề xuất trên, Bộ trưởng Công an cho biết, đôi khi việc đánh giá tài liệu, chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất, cần phải có trọng tài để giải quyết vụ án được nhanh và thông suốt hơn. Bộ trưởng Tô Lâm kỳ vọng với chế định đặc biệt, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ dần được kiểm soát.

Lê Anh Đức