Đề xuất giao chỉ tiêu giám sát

Mai Loan-H.Vũ 08/06/2018 07:00

Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Bên cạnh 4 nội dung được đưa ra xin ý kiến, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu ra Nghị quyết giao chỉ tiêu giám sát cho ĐBQH để nâng cao vai trò vị trí và trách nhiệm của ĐBQH.

Đề xuất giao chỉ tiêu giám sát

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh).

4 nội dung giám sát

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm.

Theo đó, tính đến ngày 27/4/2018, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 190 nội dung kiến nghị.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể gồm:

(1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018;

(2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018;

(3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018;

(4) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Qua thảo luận nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm đồng tình với nội dung giám sát 2 và 3.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018.

Bởi theo ông Nhưỡng, giám sát về chính sách pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã có giám sát của các Ủy ban của Quốc hội nhưng còn lẻ tẻ, chưa mang lại hiệu quả trong khi chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi là vấn đề nóng bỏng, bà con mong chờ sự hoạch định chính sách để giải quyết khó khăn và để có định hướng lâu dài.

“Đây là khu vực khó khăn, thiên tai luôn rình rập nhưng lại chưa có chính sách căn cơ. Nếu không chú ý thì khó trả lời cử tri và đồng bào trong khi Hiến pháp quy định Nhà nước có chính sách phát triển để các dân tộc phát triển toàn diện cùng đất nước. Cho nên cần thực hiện ngay việc giám sát chính sách pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi”-ông Nhưỡng bày tỏ.

Bên cạnh đó ông Nhưỡng cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu ra Nghị quyết giao chỉ tiêu giám sát cho ĐBQH để nâng cao vai trò vị trí và trách nhiệm của ĐBQH.

Bởi đây là vấn đề còn bỏ ngỏ trong thời gian qua khi ai có trách nhiệm thì giám sát, ai không có trách nhiệm thì bỏ qua. Như thế chưa phát huy hết vai trò của ĐBQH cho nên cần giao chỉ tiêu giám sát cho ĐBQH.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lại cho rằng, giám sát của ĐBQH ngoài việc thảo luận trên hội trường thì các hoạt động giám sát của ĐBQH rất rộng như tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể đi nắm tình hình, những vấn đề mà cử tri bức xúc.

Bây giờ yêu cầu ĐBQH lên chương trình giám sát thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi chỉ có 1 mình, chưa kể nhiều đoàn ĐBQH chỉ có 6 người, nếu 6 người phải đi 6 nơi để thực hiện chương trình giám sát của 1 người thì sẽ khó khăn.

Đồng tình với nội dung giám sát 2 và 3, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đưa phân tích: Dân tộc thiểu số chiếm trên 14% dân số cả nước và sinh sống tại 52 tỉnh, trong đó tập trung đông ở vùng biên giới, nơi có điều kiện khó khăn.

Trong nhiều năm qua dù có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, trong đó chiếm 70% trong số hộ nghèo của cả nước hiện nay, nhiều nơi còn chưa có điện.

Dù chúng ta đã có hàng trăm văn bản về dân tộc thiểu số nhưng triển khai thực hiện còn bất cập, nhiều chương trình được đầu tư nhưng dàn trải.

Do đó Quốc hội cần giám sát để thấy được chính sách ban hành còn những thiếu sót gì để khắc phục và ban hành chính sách mới thích hợp hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề xuất giám sát việc xử lý nạn bạo hành trẻ em

Ngoài 4 nội dung trên, nhiều ĐB cũng đề xuất các nội dung giám sát khác. ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề xuất cần giám sát đối với nội dung bạo hành xâm hại trẻ em.

Bởi tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhiều ĐB đã quan tâm và đưa ra phân tích khi theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo hành xâm hại và xu hướng này ngày càng tăng.

Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy 50% trẻ em sống trong tình trạng hà khắc; và chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 682 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm 84%. Mặc dù có 17 cơ quan phụ trách, bảo vệ nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra.

Theo bà Thảo, nguyên nhân đến từ nhiều phía nhưng để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc trong dư luận. Qua trả lời chất vấn các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra chủ yếu về mặt tăng cường, tuyên truyền giáo dục và tăng cường phối hợp giữa cac cơ quan chức năng là chưa đủ vì thời gian qua đã có các biện pháp này nhưng không mang lại hiệu quả.

“Do đó Quốc hội cần bổ sung nội dung bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của năm 2019. Hiện 14% dân số có độ tuổi dưới 15 tuổi, 20 năm sau trẻ em là nguồn lực quý giá cho đất nước và đây là lực lượng nòng cốt tương lai của đất nước trong thời kỳ dân số vàng cho nên cần được bảo vệ ”-bà Thảo nêu quan điểm.

ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, thời gian qua việc cháy nổ xuất hiện nhiều ở các khu chế xuất, chung cư, và tình hình cháy nổ có nhiều hướng gia tăng. Cho nên Quốc hội cần đưa nội dụng việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình giám sát năm 2019 để hoàn thiện cơ chế chính sách về phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng dù việc giám sát đã có nhiều đổi mới, tổ chức giám sát linh hoạt, nhưng việc thực hiện kiến nghị sau giám sát có nơi chưa quan tâm, giám sát xong nhưng nhiều nội dung, vấn đề bị dừng lại trong khi việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật rất chậm như vấn đề vừa được Quốc hội giám sát xong là an toàn thực phẩm, cải cách sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn thiếu nhiều văn bản, thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều kiến nghị trả lời chung chung.

Từ đó, bà Lan đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri để giải quyết đến cùng những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Mai Loan-H.Vũ